Tiếp tục điều tra vụ sản xuất găng tay giả mùa dịch COVID-19

Ngày 26-3, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ Thạch Thị Hoa (sinh năm 1984, giám đốc công ty TNHH sản xuất - thương mại thiết bị TTH) cùng bốn đồng phạm về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Sau một buổi xét hỏi, HĐXX quyết định trả hồ sơ cho VKS cùng cấp để điều tra bổ sung nhiều vấn đề chưa rõ của vụ án.

Trước đó, VKS tại toà cáo buộc Hoa là chủ mưu, chịu trách nhiệm chính trong việc sản xuất, buôn bán găng tay y tế giả. Các đồng phạm còn lại gồm Nguyễn Đức Chương, Lê Ngọc Ngân, Nguyễn Thị Thu Sương và Nguyễn Thị Lynh Trang giúp sức tích cực. 

Bị cáo Thạch Thị Hoa (áo đen) cùng nữ đồng phạm được dẫn đến phiên xử. Ảnh: H.YẾN

Kết quả điều tra xác định tháng 7-2019, thấy thị trường có nhu cầu mua nhiều găng tay y tế trong mùa dịch COVID-19, Hoa đã bàn với Chương thu gom các loại găng tay y tế đã qua sử dụng (bị ố, rách, nhăn) để làm giả một số thương hiệu nổi tiếng, bán ra thị trường. 

Sau đó, Hoa yêu cầu Ngân liên hệ với Sương để mua nguyên liệu găng tay y tế trôi nổi trên thị trường, in võ thùng giấy, tem nhãn của các thương hiệu. Chương thuê công nhân thực hiện, thuê Trang làm giám sát, chấm công.  

Các công nhân sẽ tiến hành loại bỏ những găng tay dơ, chọn những găng tay còn dùng được, bị nhăn thì vuốt cho thẳng, cuộn tròn cho vào hộp có in nhãn mác của một số thương hiệu găng tay y tế nổi tiếng. 

Cơ quan tố tụng xác định hàng giả do các đối tượng sản xuất buôn bán tương đương hàng thật là 3,2 tỉ đồng. 

Tối 3-8-2020, công an kiểm tra kho hàng của Công ty TTH tại Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. Lực lượng chức năng phát hiện 32 công nhân đang phân loại, đóng hộp hàng ngàn găng tay y tế. Công ty không xuất trình được hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ của lô hàng.

Qua kiểm tra, công an thu giữ 2.429 thùng găng tay y tế giả, 700 ký găng tay y tế kém chất lượng. Mở rộng, CQĐT còn phát hiện thêm chín địa chỉ tại quận Bình Tân, quận Tân Bình, quận 8 và 6 được thuê để sản xuất găng tay y tế giả.

Quá trình điều tra, công an xác định được thêm một số người liên quan vụ án. Cụ thể Su Jen Lee người đặt mua găng tay của Hoa qua zalo. Tuy nhiên do chưa xác định được Lee đang ở đâu nên chưa làm rõ được ý thức chủ quan có đồng thuận sản xuất hàng giả với Hoa không. CQĐT đang tiếp tục truy xét và xử lý sao khi có căn cứ. Tương tự với đó là trường hợp Tô Thị Ngọc Hà, người được các bị can khai là cung cấp nguồn găng tay trôi nổi cho Hoa.

Đối với Trần Công Thành và Nguyễn Thị Vụ là người cung cấp găng tay, vỏ thùng, vỏ hộp và nhiều nhãn hiệu cho bị cáo Sương. Tuy nhiên khi mua ra từ Thành, Sương cho biết mục đích là nhằm bán kiếm lời. Còn khi mua những thùng chứa găng tay từ Vụ, Sương tự xưng là đại diện của các nhãn hiệu. Vụ đã yêu cầu ký hợp đồng như Sương lại cố tình tránh, không ký hợp đồng. Vì thế, CQĐT  cho rằng chưa đủ cơ sở để xác định hai người này biết mục đích của Sương là sản xuất hàng giả nên không xem xét xử lý hình sự đối với họ.

Đối với Cù Cao Cường dù tại địa chỉ chỉ trên đường Bàu Cát (phường 14, quận Tân Bình) thuê sử dụng có phát hiện găng tay thành phẩm và nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên Cường khai nhận là do một người không rõ lai lịch thuê nhà sản xuất. Còn Hoa xác nhận không mua bán găng tay nguyên liệu găng tay chỉ mua bán vải không dệt với Cường.

Kết quả kiểm tra dữ liệu điện thoại không phát hiện thông tin mua bán trao đổi liên quan đến găng tay giữa Cường và Hoa. Do đó, cơ quan điều tra không đưa Cường vào diện xử lý hình sự trong vụ án này mà chuyển hồ sơ đến công an quận để xử lý theo thẩm quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm