Tiêu cực trong xây dựng pháp luật sẽ thúc đẩy sự lạm quyền

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng cần xác định trách nhiệm pháp lý, đưa ra chế tài gắn với hậu quả pháp lý mà người xây dựng pháp luật phải gánh chịu nếu xảy ra sai phạm.

Chiều 30-12, Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: HÀ THƯ

Việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật hiện được quy định trong Quy định 178/2024 của Bộ Chính trị.

Sớm thể chế hóa Quy định 178

Tại hội thảo, TS Phan Hải Hồ, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp Luật, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho biết lạm quyền đóng vai trò tiên quyết làm xuất hiện tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Lạm quyền cũng đóng vai trò chính trong việc “ngầm chuyển quyền” gây ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.

Lạm quyền còn ẩn giấu đi cơ chế phản biện, giải trình, minh bạch về xây dựng, tham vấn và phản biện chính sách.

Đồng thời, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật là yếu tố thúc đẩy lạm quyền. “Hiện nay, do thiếu chế tài xử lý vi phạm, các chủ thể có thẩm quyền dễ lạm quyền mà không sợ trách nhiệm pháp lý, gia tăng ham muốn lợi ích nên tham nhũng được xem là hệ quả tất yếu xảy ra”- TS Hồ nói.

TS Phan Hải Hồ, Trưởng khoa Nhà nước và Pháp Luật, Học viện Cán bộ TP.HCM. Ảnh: HÀ THƯ

Theo TS. Phan Hải Hồ, hiện nay chưa xác định được trách nhiệm pháp lý kể cả chế tài, hậu quả bất lợi nhất cho chủ thể xây dựng pháp luật, đặc biệt khi kết quả xây dựng pháp luật sai.

“Người áp dụng pháp luật sai bị xử lý rồi nhưng người ban hành pháp luật sai thì chưa thấy xử lý bao giờ" – TS Hồ nêu và nhìn nhận vì bất cập nên những nhà xây dựng pháp luật cứ ban hành pháp luật vì nghĩ rằng mình sẽ không bị xử lý.

TS. Phan Hải Hồ đề nghị cần nhanh chóng thể chế hóa Quy định 178 thành pháp luật của nhà nước để tạo hành lang pháp lý về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong xây dựng pháp luật.

Trong đó, cần xác định trách nhiệm pháp lý, đưa ra chế tài gắn với hậu quả pháp lý mà chủ thể xây dựng pháp luật phải gánh chịu nếu xảy ra sai phạm và ngược lại phải có khen thưởng xác đáng.

“Chúng ta không nên có quan điểm pháp luật luôn luôn đúng bởi vì pháp luật không phải là chân lý. Nếu pháp luật sai, không phù hợp với thực tiễn xã hội đang xảy ra thì cán bộ thực thi có quyền làm sai pháp luật để có lợi cho dân, cho nước” – TS Hồ nêu.

Người làm luật phải liêm chính

TS. Nguyễn Văn Nhứt, giảng viên cao cấp Học viện Cán bộ TP.HCM, cho biết trong ba dạng tham nhũng (tài sản, quyền lực chính trị và chính sách) thì tham nhũng chính sách là nguy hại nhất vì rất tinh vi, rất khó phát hiện, liên quan đến cả quy trình, hệ thống, với nhiều cơ quan, kể cả những người có thẩm quyền tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật.

Theo ông, đây là một hiện tượng mà chủ thể có quyền lực đã sử dụng quyền lực của mình để ban hành chính sách có lợi cho một nhóm đối tượng và gây ra thiệt hại cho xã hội.

TS Nguyễn Văn Nhứt, giảng viên cao cấp Học viện Cán bộ TP.HCM. Ảnh: HÀ THƯ

Nhìn nhận về các nguy cơ tham nhũng chính sách, TS Nguyễn Văn Nhứt cho biết có trường hợp nhóm lợi ích vận động chủ thể có thẩm quyền tham gia xây dựng chính sách pháp luật; có trường hợp trong quá trình soạn thảo chính sách, nhóm lợi ích đưa các nội dung có lợi cho mình vào dự thảo.

“Việc này được cài cắm tinh vi bằng các con chữ vào văn bản pháp luật, đưa vào các thủ tục hành chính, giấy phép con… để tăng thêm hiệu lực cho mình và có trục lợi” – TS Nhứt phân tích. Ông cũng cho biết có thực trạng lợi dụng các lỗ hổng hiện hữu trong các quy định pháp luật để trục lợi.

Từ đó, TS Nguyễn Văn Nhứt nhấn mạnh cần đề cao sự liêm chính của chủ thể tham gia xây dựng chính sách và việc này cần phải luật hóa, để có quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chế tài trong việc này. “Công tác xây dựng pháp luật đòi hỏi người làm việc chuyên nghiệp, có bản lĩnh cao bởi luật pháp chỉ có đúng hoặc sai, không thể ở giữa” – TS Nhứt nhấn mạnh.

Ông đề nghị luật hóa việc vận động hành lang để kiểm soát việc công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình của người tham gia xây dựng chính sách, giúp người dân giám sát.

Lấy ý kiến người dân, báo chí

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết cả nước có gần 500 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhưng không phải đại biểu nào cũng hiểu sâu sát các vấn đề thực tiễn.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM. Ảnh: HÀ THƯ

Theo bà, chỉ có Hiến pháp mới bắt buộc lấy ý kiến toàn dân còn văn bản pháp luật khác thì việc này chưa được thực hiện rộng rãi.

Bà Phạm Phương Thảo cho rằng cần nâng cao chất lượng ĐBQH chuyên trách và nên có kinh phí để ĐBQH thuê chuyên gia tư vấn bởi không phải ĐBQH nào cũng am hiểu hết mọi vấn đề.

...............................

Hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật

PGS.TS Lưu Ngọc Tố Tâm, Học viện Chính trị Khu vực II, nhìn nhận quá trình xây dựng luật tại nước ta sau khi ban hành chỉ là luật khung, chưa thể áp dụng ngay mà phải chờ nghị định, thông tư, hướng dẫn.

Theo PGS Tâm, dường như quy trình xây dựng pháp luật chỉ mới đến bước thông qua tại nghị trường là đã dừng lại quy trình. Bà cho rằng cần phải hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, để cho dự án luật đi vào thực tiễn cuộc sống, để cuộc sống phản hồi lại, sau đó để ban soạn thảo chỉnh lý bổ sung, sửa đổi sẽ khả thi hơn nhiều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới