Theo phát hiện của một nghiên cứu mới được trình bày tại phiên họp Khoa học của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ năm 2021 cho biết, uống cà phê có chứa caffeine dường như có cả tác dụng có lợi và có hại đối với sức khỏe ngắn hạn như tăng nhịp tim bất thường, tăng hoạt động thể chất và giảm thời gian ngủ.
Nghiên cứu mới cho thấy, tiêu thụ cà phê vừa có lợi, vừa có hại cho sức khỏe ngắn hạn. Ảnh: NHẬT LINH
Giáo sư Gregory Marcus, nhà nghiên cứu tại Trường Y tại Đại học California, San Francisco, cho biết: “Cà phê là thức uống được tiêu thụ phổ biến nhất trên thế giới, nhưng ảnh hưởng sức khỏe của nó vẫn chưa chắc chắn."
"Phần lớn các nghiên cứu liên quan đến cà phê là quan sát (dễ gây nhiễu) và xem xét các tác động lâu dài ít liên quan đến hậu quả tức thời. Chúng tôi đã tìm cách thực hiện các thử nghiệm ngẫu nhiên trong từng cá nhân để nắm bắt các hậu quả sinh lý thời gian thực của việc tiêu thụ cà phê", ông nói thêm.
Đo lường mức tiêu thụ cà phê
Để điều tra tác động của caffeine trong cà phê, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu 100 người tham gia liên tục đeo thiết bị điện tâm đồ để đo nhịp tim, thiết bị đeo ở cổ tay để theo dõi hoạt động thể chất, giấc ngủ và máy theo dõi lượng đường để phân tích lượng đường trong máu trong hai tuần.
Các cá nhân có độ tuổi trung bình là 38 tuổi, 51% là phụ nữ và 48% là người da trắng. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu nước bọt DNA của từng người tham gia để đánh giá các biến thể di truyền có thể ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa caffeine.
Tiếp theo, các cá nhân được chỉ định ngẫu nhiên để tiêu thụ hoặc tránh cà phê không quá hai ngày liên tục, mỗi người trong thời gian nghiên cứu là hai tuần.
Tiết lộ tác dụng của caffeine trong cà phê
Đáng ngạc nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tác động của caffeine đối với sức khỏe ngắn hạn là khá đa dạng.
Đầu tiên, họ phát hiện ra rằng tiêu thụ cà phê có liên quan đến việc tăng 54% co bóp tâm thất sớm - một nhịp tim bất thường bắt nguồn từ các buồng tim phía dưới, có cảm giác như nhịp tim bị bỏ qua. Ngược lại, việc tăng tiêu thụ cà phê có liên quan đến ít trải nghiệm nhịp tim nhanh trên thất - một nhịp tim nhanh bất thường xuất phát từ các buồng tim trên.
Tiếp đến là việc tiêu thụ cà phê liên tục cũng liên quan đến hoạt động thể chất nhiều hơn cũng như ngủ ít hơn.
Marcus cho biết: “Hoạt động thể chất nhiều hơn, dường như được thúc đẩy bởi việc tiêu thụ cà phê, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, một số bệnh ung thư và có liên quan đến tuổi thọ cao hơn."
“Mặt khác, giảm giấc ngủ có liên quan đến một loạt các kết quả bất lợi về tâm thần, thần kinh và tim mạch. Nhịp tim bất thường thường xuyên hơn từ các buồng tim phía trên ảnh hưởng đến nguy cơ rung nhĩ và nhịp đập bất thường thường xuyên hơn từ các buồng phía dưới hoặc tâm thất, làm tăng nguy cơ suy tim. Những kết quả này làm nổi bật mối quan hệ phức tạp giữa cà phê và sức khỏe ”, Ông nói.
Những người có các biến thể di truyền liên quan đến chuyển hóa caffeine nhanh hơn có nhịp tim bất thường hơn trong tâm thất khi họ uống nhiều cà phê hơn.
Hơn nữa, một cá nhân chuyển hóa cafein càng chậm dựa trên di truyền của họ, có liên quan đến việc mất ngủ nhiều hơn khi họ uống cà phê có chứa caffeine.
Nhóm nghiên cứu cũng điều tra xem liệu những thay đổi trong giấc ngủ hoặc tập thể dục có làm thay đổi tác động của caffeine đối với nhịp tim bất thường hay không, mà không có mối liên quan nào được xác định, theo Sci-news.