Trong đơn tố giác gửi các cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân (ngụ quận 7, TP.HCM) trình bày: Cuối năm 2014, bà ký hợp đồng thuê sạp với ông NVX (sinh năm 1970, giám đốc chợ tạm P.) để bán đồ bách hóa. Do làm thất lạc bản chính hợp đồng, ngày 12-7 bà đến gặp nhờ ông X. ký giúp một bản hợp đồng khác.
Bị đánh nứt sọ
Theo bà Nhân, ông X. không đồng ý nên hai bên lời qua tiếng lại. Ông X. cầm bình trà quăng thẳng vào người bà rồi cầm thanh sắt đánh vào lưng, đầu của bà. Con trai bà lao vào che cho mẹ cũng bị ông X. dùng thanh sắt đánh. Bà Nhân quơ được ly trà và ném lại ông X. Ông X. bỏ thanh sắt xuống, cầm lấy con dao định tấn công mẹ con bà Nhân.
Lúc này, nhiều tiểu thương trong chợ can ngăn rồi đưa bà Nhân đến bệnh viện cấp cứu. Kết quả CT scan của BV huyện Nhà Bè kết luận bà Nhân bị sưng mô mềm, không thấy xuất huyết não hay tụ máu nội sọ, không thấy khối choán chỗ bất thường nội sọ. Tuy nhiên, sau đó bà Nhân liên tục bị ói mửa nên gia đình đã chuyển bà lên BV Chợ Rẫy. Tại đây, các bác sĩ BV Chợ Rẫy kết luận bà Nhân bị nứt sọ, gãy mỏm ngang đốt sống L1, L2 trái.
Khi bà Nhân còn nằm điều trị tại BV huyện Nhà Bè, Công an xã Phước Kiểng có đến bệnh viện lấy lời khai của bà. Tiếp đó, Công an xã Phước Kiểng chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an huyện Nhà Bè giải quyết.
Bà Nhân cho biết bà yêu cầu Công an huyện Nhà Bè khởi tố ông X. vì đã dùng thanh sắt là hung khí nguy hiểm đánh bà nứt sọ, gãy đốt sống nhưng đến nay cơ quan công an vẫn chưa khởi tố vụ án. Khi bà đến khiếu nại thì Cơ quan CSĐT Công an huyện đưa cho bà một quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu bà tự cầm tới Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM để giám định.
Bà Nhân, người tố bị chủ chợ tạm dùng thanh sắt đánh nứt sọ. Ảnh: L.TRINH
Công an đang giải quyết
Điều làm bà Nhân bức xúc là trong quyết định này, CQĐT lại tóm tắt nội dung sự việc như sau: Lúc 10 giờ 30 ngày 12-7-2016, ông X. đang giám sát hoạt động ở chợ thì bà Nhân đến nhờ ông X. xác nhận giấy tờ mất hợp đồng thuê sạp. Trong quá trình nói chuyện, ông X. nhiều lần giải thích việc này không thuộc thẩm quyền của ông và hướng dẫn bà Nhân đến cơ quan chính quyền để được giải quyết. Bà không đồng ý và có nhiều lời nói xúc phạm ông. Bà Nhân dùng ly uống trà (loại bằng sành) ném thẳng vào mặt ông X. gây thương tích và cùng con trai xông vào đánh ông X. Ông X. lùi lại, thấy có thanh sắt tròn nên cầm lên và đánh lại.
“Đến nay tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông X. bất ngờ cầm thanh sắt đánh tôi một phát như trời giáng vào đầu. Tôi chẳng còn biết gì nữa nhưng vẫn cảm nhận được máu chảy ướt khắp mặt. Lúc sự việc mới xảy ra, nhiều tiểu thương chứng kiến nói sẽ làm chứng cho tôi nhưng giờ không biết vì sao mà không còn ai dám ra làm chứng nữa. Tuy nhiên, ngay tại chỗ ông X. đánh tôi có camera an ninh của chợ. Tôi rất mong cơ quan công an thu giữ đoạn camera này để làm sáng tỏ sự thật” - bà Nhân nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Đức Thắng (đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Nhà Bè) nói: “Thời hạn giải quyết tố giác tin báo tội phạm tối đa là hai tháng nên vụ việc này vẫn còn trong thời hạn và cơ quan CSĐT đang tiến hành xác minh, giải quyết theo đúng quy trình. Bây giờ phải chờ kết quả giám định xem tỉ lệ thương tật của bà Nhân là bao nhiêu thì mới có cơ sở pháp lý để quyết định khởi tố hay không. Chúng tôi đang giải quyết vụ việc một cách khách quan, đúng quy định của pháp luật. Không có gì phải lo lắng cả!”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.
Quy định hiện hành Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật 11%-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người. (Theo điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS) - Dùng hung khí nguy hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 BLHS là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 Mục 2 Phần I Nghị quyết 02/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. - Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công. Về công cụ, dụng cụ ví dụ như búa đinh, dao sắc, nhọn… Về vật mà người phạm tội chế tạo ra ví dụ như thanh sắt mài nhọn, côn gỗ… Về vật có sẵn trong tự nhiên ví dụ như gạch, đá, thanh sắt… (Theo Tiểu mục 3.1 Mục 3 Nghị quyết 01/2006 |