Theo hãng tin CNN, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ban đầu đã tìm cách giấu kín diễn biến tối mật này với các thành viên chủ chốt của Quốc hội. Một số nghị sĩ đảng Dân chủ sau đó phát hiện thông tin trên qua các nguồn khác và được cho là đã rất "tức giận" khi chúng đã bị "cố tình" ém nhẹm và cho rằng họ cần được nghe về điều này.
Việc Saudi Arabia bị phát hiện đang tiến hành mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình cũng đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang có khả năng xảy ra giữa các quốc gia Trung Đông, cũng như đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump đã bật đèn xanh cho Riyadh để làm đối trọng chống lại mối nguy hạt nhân khác đối với Mỹ trong khu vực là Iran. Ngoài ra, đâu là cam kết thực sự của Washington về một Trung Đông phi hạt nhân như đã tuyên bố trước đó qua những diễn biến mới này cũng cần phải được xem xét lại.
Tuy nhiên, ý định thật sự của Saudi Arabia trong việc tìm cách sở hữu số vũ khí hạt nhân mới vẫn là một ẩn số, mặc dù nguồn tin của CNN nhận định đây có thể là một bước tiến gần hơn đến khả năng phóng thành công đầu đạn hạt nhân của nước này, CNN cho hay.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với chương trình 60 Minutes vào năm 2018, Thái tử Mohammed Bin Salman đã nhấn mạnh một điều rằng nếu Iran có trong tay loại vũ khí này thì Saudi Arabia cũng sẽ làm tương tự như vậy.
Thái tử Saudi Arabia, ông Mohammed Bin Salman tại chương trình 60 Minutes năm 2018. Ảnh: CBS NEWS
Được biết, do phải chịu sự ràng buộc của Hiệp ước Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (Missile technology Control Regime) được ký kết tháng 4-1987, Saudi Arabia không có khả năng trực tiếp mua tên lửa đạn đạo từ Mỹ dù lâu nay nước này vẫn luôn là một trong những "bạn hàng" tốt nhất của Washington trong lĩnh vực buôn bán vũ khí. Nhằm vượt qua hạn chế này, Riyadh đã hướng mục tiêu tìm kiếm sang những quốc gia khác nằm ngoài Hiệp ước trên, trong đó có Trung Quốc.
Theo CNN, Saudi Arabia được cho là đã mua tên lửa đạn đạo từ cường quốc châu Á này hàng thập kỷ qua, và lần giao dịch gần đây nhất có thể là vào năm 2007. Mặc dù vậy, Saudi Arbia vẫn chưa bao giờ được đánh giá là có khả năng tự chế tạo tên lửa cho mình hay thậm chí có khả năng triển khai hiệu quả số tên lửa hiện có trong tay.
Vì vậy, việc Riyadh cho bổ sung tên lửa của Trung Quốc vào kho vũ khí của họ chỉ nên được xem là một cách biểu dương sức mạnh quân sự của mình trước những đối thủ tiềm tàng trong khu vực, chủ yếu là Iran.
Từ lâu, Mỹ đã muốn và hỗ trợ để Saudi Arabia có thể sở hữu thế mạnh về tấn công bằng đường không bằng cách chấp thuận những yêu cầu mua chiến đấu cơ do Mỹ chế tạo. Một lý do khác cho sự giúp đỡ này, theo CNN, cũng là nhằm để tránh việc Riyadh qua mặt Washington và nâng cấp công nghệ tên lửa của mình.
"Saudi Arabia không cần phải chạy đua với Iran trong việc sở hữu hay sản xuất tên lửa đạn đạo trong khi nước này đã có một lợi thế về vũ khí thông thường rồi", chuyên gia Behnam Taleblu thuộc Viện nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies, cho biết.
Tuy nhiên, trước những diễn biến trong những năm gần đây như chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Iran, cũng như khả năng Saudi Arabia phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo khi nước này và Iran đang đối đầu nhau trên chiến trường Yemen, lối suy nghĩ như của ông Taleblu liệu có còn hợp lý hay không cần phải được xem xét lại.
Vào tháng 1-2019, tờ The Washington Post cho đăng tải một bức ảnh vệ tinh cho thấy Saudi Arabia có vẻ đã xây dựng được một nhà máy sản xuất tên lửa đạn đạo. Theo phân tích của các nhà quan sát, nhà máy này có nhiều điểm tương đồng với công nghệ sản xuất tên lửa của Trung Quốc.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 13-11 năm 2018 cho thấy nhà máy sản xuất tên lửa của Saudi Arabia tại một cơ sở tên lửa ở thị trấn Al-Watah nước này. Ảnh:THE WASHINGTON POST
"Sự quan tâm của Saudi Arabia vào công nghệ tên lửa là rất đáng chú ý", theo ông Jeffrey Lewis, Giám đốc Chương trình Đông Á Không Hạt Nhân tại Viện Middlebury. "Cả các báo cáo về cơ sở tên lửa và sự quan tâm của Riyadh vào chu trình nhiên liệu hạt nhân, cũng cho thấy một mong muốn bảo vệ mình trước Iran".
CNN cho biết, cả Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia nước này đều từ chối bình luận về những hoạt động liên quan đến chế tạo tên lửa hạt nhân của Saudi Arabia, cũng như từ chối bình luận về việc liệu Riyadh có đang liên hệ với những đối tác bên ngoài khu vực Trung Đông hay không.
Phát ngôn viên tại Đại sứ quán Saudi Arabia ở Mỹ cũng từ chối trả lời.
Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này và Saudi Arabia là "đối tác chiến lược toàn diện", và thông báo cả hai quốc gia sẽ "tiến hành hợp tác hữu nghị trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả buôn bán vũ khí. Những sự hợp tác như vậy không hề vi phạm luật pháp quốc tế, cũng như không liên quan đến sản xuất vũ khí huỷ hiệt hàng loạt".
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ khi được tiếp cận đã từ chối trả lời phỏng vấn của CNN, tuy nhiên vẫn nói rằng Saudi Arabia vẫn là một thành viên của Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân và đã chấp thuận yêu cầu không bao giờ sở hữu loại vũ khí này. Vị này sau đó cũng đề cập đến một tuyên bố gần đây của Mỹ về việc cam kết "một Trung Đông sạch bóng vũ khí huỷ diệt hàng loạt và hệ thống khai triển chúng".
Mặc dù vậy, theo nguồn tin của CNN, đến hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy đang có một sự thay đổi chính sách về Saudi Arabia và những hành động quyết định mặc cho nguồn tin này khẳng định Washington hoàn toàn nắm rõ những tin tức tình báo về những diễn biến về vũ khí hạt nhân ở đây.