Ngày 7-9, nguồn tin PLO cho biết, UBND tỉnh Gia Lai đã có chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh về việc “tạm dừng các khoản thu ngoài học phí đối với các trường công lập trên địa bàn” mà tỉnh đã yêu cầu trước đó nhằm giải quyết vấn đề nóng về bán trú cho học sinh.
Theo đó, xét tờ trình của Sở GD&ĐT và tình hình thực tế, UBND tỉnh Gia Lai thống nhất chủ trương cho tạm thu các khoản thiết yếu để phục vụ tổ chức hoạt động bán trú trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và các hoạt động giáo dục phục vụ trực tiếp người học từ nguồn thu ngoài học phí.
Trường TH Lê Quý Đôn đã thông báo chưa triển khai cho học sinh bán trú. Ảnh: LK |
Đồng thời, yêu cầu Sở GD&ĐT triển khai cho các cơ sở giáo dục trực thuộc và các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch trong việc thu. Yêu cầu hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm về việc tổ chức thu, chi; nghiêm cấm lạm thu trong nhà trường.
Về nội dung thu, mức thu phải có sự trao đổi thống nhất với cha mẹ học sinh và thỏa thuận bằng văn bản tại cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp, trường.
Trước đó, từ giữa tháng 8-2022, để tránh lạm thu đầu năm học mới, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản yêu cầu ngành giáo dục tạm dừng các khoản thu ngoài học phí đối với các trường công lập. Trong số này, có cả khoản thu để phục vụ hoạt động bán trú ở các trường.
Sau văn bản này, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh Gia Lai liền có thông báo cho phụ huynh tạm thời chưa tổ chức hoạt động cho trẻ bán trú tại trường. Nhà trường chỉ thực hiện tổ chức cho học sinh hoạt động 2 buổi/ngày.
Do việc này có nhiều bất cập, nhiều phụ huynh bức xúc, cho rằng việc đưa đón con đi học ngày hai buổi, giấc không đảm bảo gây ảnh hưởng đến công việc và đi lại.
Anh NCD (ngụ phường Đống Đa, TP Pleiku), cho biết hôm nay vừa nghe thông tin tỉnh có điều chỉnh về việc cho tạm thu các khoản phí, trong đó có hoạt động bán trú nên rất mừng. Chỉ mong nhà trường sớm cho hoạt động bán trú sớm triển khai sớm, hỗ trợ cho học sinh ở lại trường.
Anh D. nói: “Việc nhà trường chưa cho tạm trú đã ảnh hưởng rất lớn đến công việc của vợ chồng tôi. Tôi hai đứa con, một đứa nhỏ gửi trẻ tư nhân nên việc đưa đón thuận lợi. Riêng cháu lớn học lớp 2 (Trường TH Lương Thạnh), ngày phải đưa đi đón về bốn lượt. Cái khó là giờ đón lúc hơn 10 giờ sáng và bốn giờ chiều, không rơi vào giờ hành chính nên ảnh hưởng rất lớn đến công việc, phải xin nghỉ sớm để đón con”.
Tương tự, chị NTT (ngụ phường Ia Kring, TP Pleiku) bày tỏ bức xúc: “Tôi có hai cháu nhỏ học trường TH Lê Quý Đôn, do trường chưa cho tạm trú nên công việc của gia đình hết sức vất vả. Suốt tuần chỉ lo chuyện đưa con đi học, đón về, ảnh hưởng công việc. Buổi trưa không có thời gian nghỉ, lo cho con ăn uống rồi chở đến trường rất mệt mỏi. Tôi mong nhà trường sớm mở bán trú nhằm giảm áp lực cho phụ huynh”.
Cảnh đưa đón ngày bốn lượt khiến nhiều phụ huynh mệt mỏi. Ảnh: LK. |
Theo chị T., nếu tình hình này kéo dài, chị sẽ cho một đứa con đi học trường tư để hạn chế ảnh hưởng công việc cơ quan và sinh hoạt của gia đình. Theo tìm hiểu, TP Pleiku hiện có 41 trường mầm non, trường tiểu học với tổng cộng trên 14.000 học sinh bán trú.
Liên quan đến việc dừng các khoản thu ngoài học phí đối với các trường công lập, vừa qua Sở GD&ĐT Gia Lai nắm bắt tình hình và đã có tờ trình “xin chủ trương tạm thu các nội dung phục vụ bán trú” gửi UBND tỉnh Gia Lai.
Theo khảo sát của Sở, đối với mầm non, toàn tỉnh có 179/224 cơ sở trường công lập có nhu cầu và đủ điều kiện cho bán trú; đối với khối tiểu học, triển khai dạy 2 buổi/ngày ở các khối lớp 1, 2 và 3… phụ huynh mong muốn gửi con bán trú để thuận lợi công việc, phía nhà trường cũng dễ dàng thực hiện tốt chương trình dạy ngày 2 buổi.