Đây cũng là nỗ lực trong thực hiện những chủ trương lớn từng được đề ra từ gần 20 năm trước.
Thực ra, việc sáp nhập một số sở, phòng mà Bộ Nội vụ đề xuất là tiếp tục cụ thể hóa quan điểm quản lý đa ngành mà Trung ương khóa VIII năm 1999 đã đề ra.
Lúc đó đã bàn cả việc nhập Giao thông vào Xây dựng, KH&ĐT vào Tài chính... nhưng chưa làm được.
Hiện chúng ta hội nhập sâu, rộng và chính phủ các nước tổ chức rất gọn nhẹ. Lớn như Mỹ mà cũng chỉ 13 bộ, trong khi ta có lúc trên 30 bộ, cơ quan ngang bộ. Chúng ta cũng tổ chức, sáp nhập nhưng mang tính cơ học, còn nhiều đầu mối nên khi đụng việc thì trách nhiệm không rõ ràng.
Quản lý nhà nước về bản chất là quản lý đa ngành, cần phải có sự phối hợp thông suốt nhưng cán bộ, nhân viên mỗi ngành lại chỉ làm việc ngành mình, càng nhiều đầu mối thì Chính phủ càng khó vận hành hiệu quả.
Phải sau Đại hội X mới có những điều chỉnh lớn: Thu gọn đầu mối các ban đảng ở Trung ương, nhập một số bộ ở Chính phủ như Bộ Thủy sản vào Bộ NN&PTNT; Bộ Thương mại - Công nghiệp thành Bộ Công Thương, tỉnh, huyện cũng thu gọn số lượng sở, phòng…
Ông cũng cho hay lần sắp xếp bộ máy trước được tiến hành trong hoàn cảnh nền kinh tế tăng trưởng khá, dầu mỏ tăng giá và duy trì mức cao nhiều năm liền. Ngân sách nhờ đó mà có nguồn điều chỉnh lương cho cán bộ các cơ quan nhà nước. Còn giờ ngân khố khó khăn thì khó tập trung tâm trí cho những cải cách lớn, dài hơi cho bộ máy nhà nước. Tất nhiên, khó khăn thì cũng là động lực cải cách nhưng động lực ấy sẽ khó so sánh với các yếu tố thuận lợi có được khi kinh tế phát triển tốt, ổn định.
Nhưng từ sau Đại hội XII chúng ta thấy có tín hiệu đáng mừng. Việc cải cách, tinh gọn bộ máy đồng bộ với công tác chống tiêu cực, tham nhũng, thanh lọc thành phần hư hỏng trong bộ máy. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bước sang nhiệm kỳ thứ hai thực sự là trung tâm sức mạnh của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Những bước đi quyết đoán chấn chỉnh tổ chức, bao gồm cả cải cách mạnh mẽ Bộ Công an cũng tác động để Trung ương thống nhất nhận thức hơn về những yêu cầu mới trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế thời gian tới.
Tuy nhiên, tôi cho rằng công tác này phải triển khai mạnh mẽ, cơ bản ngay trong khóa XII này, bởi nếu để sang khóa sau, rất có thể nhịp độ cải cách sẽ bị giảm tốc.
Vị này cũng cho là việc sắp xếp, sáp nhập nên làm đồng bộ từ trên xuống dưới thì chắc chắn sẽ trôi chảy hơn. Cạnh đó, dự thảo của Bộ Nội vụ còn nửa vời. Tại sao không quy định rõ hơn cho nhóm thành phố trực thuộc trung ương, các tỉnh đồng bằng, tỉnh miền núi… mà lại chung chung, mang tính gợi ý cho địa phương tự quyết định? Quán tính lâu nay, không lãnh đạo nào muốn cắt bỏ chân rết của mình cả!
Theo cách làm này, có thể hiểu tổ chức, bộ máy từ trung ương đến địa phương trong nhiệm kỳ Đại hội XII này sẽ ổn định. Các vấn đề đưa ra bàn bạc, thảo luận như vậy có lẽ mang tính định hướng để các tỉnh, thành chủ động trong công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa tới. Bởi các trưởng phòng tham mưu cho UBND huyện thì thường nằm trong huyện ủy và giám đốc các sở thường trong tỉnh, thành ủy. Hy vọng các đề xuất như vậy sẽ không chỉ dừng lại ở cơ quan tham mưu cấp tỉnh, mà sẽ sớm được bàn thấu đáo để tiếp tục thu gọn đầu mối, giảm số bộ ở Chính phủ nhiệm kỳ tới. Tất cả đều đã được đặt ra từ nhiều khóa rồi và nay không nên trì hoãn nữa.