Tình làng nghĩa xóm ở một khu chung cư

Hơn 20 năm trước, những người Chăm An Giang sống dọc bờ kênh Thị Nghè nhưng khi khu vực này giải tỏa, họ được chuyển vào chung cư 86/1 Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, TP.HCM chung sống.

Môi trường sống xung quanh chỉ toàn là người Kinh nhưng không vì thế mà mọi người ở đây trở nên tách biệt. Ai cũng bảo rằng sở dĩ họ có thể sống, hòa nhập với cộng đồng đến ngày hôm nay một phần là nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của người Kinh.

Hàng xóm như người nhà

Suốt gần 20 năm sống ở đây, chị Rohymah thân thiết với cô Trương Thị Bích Hợp (người dân sống gần chung cư, bán nước mía) và coi cô như người thân trong gia đình của mình. Những lần chị đau ốm phải vào bệnh viện, cô Hợp luôn là người cùng chị đi khám, chạy lui chạy tới để lo cho chị.

Chị Rohymah kể chị bị chứng u xơ tử cung và bướu cổ nên phải nhập viện để mổ ngay. Đã vậy, chị còn phải chăm lo mẹ già bị tai biến và người chị bị bệnh nặng, hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo. Cô Hợp là người đi quyên góp giúp chị, chắt chiu từng đồng để chị có thêm tiền phẫu thuật. Sau khi mổ xong, mắt phải của chị mờ hẳn và đến nay không nhìn thấy rõ. Lúc này, cô Hợp lại là người cùng đồng hành với chị trong những lần lui tới bệnh viện để tái khám.

“Tôi sống ở đây cũng nhờ vào tình thương của mọi người. Bác Hợp thì thương tôi như con gái trong gia đình, có chuyện gì tôi cũng hỏi ý kiến bác hết. Mỗi khi nghe tôi có chuyện gì, bác lại sốt sắng chạy lên nhà để hỏi thăm và động viên. Mấy chị ở gần cũng hay chạy qua cho cái này, giúp cái kia, nhiều lắm” - chị Rohymah trải lòng.

Lớp học dạy tiếng Chăm của thầy Amin được mở đều đặn từ thứ Hai đến thứ Năm mỗi tuần với mục đích dạy chữ, dạy văn hóa dân tộc Chăm. Ảnh: THANH TUYỀN

Lớp học tiếng mẹ đẻ

Sống giữa cộng đồng người Kinh, ngày ngày giao tiếp với người Kinh nhưng người Chăm nơi đây vẫn luôn có ý thức giữ gìn tiếng nói và nét văn hóa của riêng mình. Họ vận khăn đội đầu, mặc váy truyền thống của người Chăm thường xuyên.

Một lớp dạy tiếng Chăm nằm gần khu chung cư cũng được mở ra để dạy cho các em nhỏ được sinh ra ở TP. Lớp học do thầy Amin cùng ban quản trị chung cư tổ chức hơn 15 năm nay với mong muốn giúp các em nhỏ có thể nói rành rọt tiếng mẹ đẻ của mình. Nhưng rồi lớp thu hút không chỉ người trẻ, trẻ nhỏ sáu tuổi hay người lớn 60 tuổi cũng đều có mặt ở đây. Đều đặn từ thứ Hai đến thứ Năm hằng tuần, họ mang sách vở tới lớp, học say sưa.

Ngồi bên cạnh Husna (tám tuổi) là một cậu bé còn bập bẹ chưa rõ chữ, chưa viết được cả tên của mình nhưng hăng say đọc theo Husna. “Em này ở gần nhà em, là bạn thân của em, hay chơi chung với nhau nhưng chưa biết đọc chữ đâu. Hai đứa em rủ nhau đến đây học cho biết văn hóa của người Chăm chúng em” - Husna hồn nhiên nói.

Đến lớp học hơi muộn nhưng cô Tago (60 tuổi) vẫn chăm chú đọc theo từng lời dẫn của thầy Amin. Cô chia sẻ nhiều năm sống ở TP nên có những chữ không thể nhớ nghĩa, cũng không nhớ rõ mặt chữ như thế nào. Cô Tago nói: “Có lớp học dạy tiếng mẹ đẻ của mình thì tại sao mình không tham gia, đây cũng là cách để mình giữ gìn bản sắc của dân tộc mình dù cho có đi xa bao nhiêu đi chăng nữa. Sau những giờ giao tiếp với mọi người thì vẫn có thể học tiếng dân tộc mình với thầy, được đọc kinh thánh để cầu nguyện…”.

Ở chung cư có hơn 200 người Chăm. Vào những ngày lễ Ramadan (tháng ăn chay của người Chăm), người dân xung quanh khu vực này cũng mang tới nhiều phần thức ăn cho hầu hết người Chăm ở đây. Rồi họ cũng học hỏi mấy tục lệ của mình cho biết. Có nhiều chị sống cùng với phong tục của mình vậy luôn, chẳng hạn không nuốt nước miếng, không ăn cơm từ sau 3 giờ sáng đến 6 giờ 30 tối.

Chị MAY SÂM, chung cư 86/1 Phan Văn Hân

Những lần lễ lớn của người Chăm, người dân khu vực cũng hay qua đây mỗi người mỗi món rồi bày ra ăn chung ở dãy hành lang. Người Chăm không ăn thịt heo nên khi nào rủ Mary qua ăn cơm chung là tôi lại tránh nấu món nào có thịt heo. Chủ yếu là nấu cá vì thịt bò họ cũng không ăn như mình mà phải làm lễ cắt cổ rồi mới ăn. Món cà ri của họ cũng khác với món ăn của mình nữa nên phải rất chú ý khi nấu ăn cùng nhau.

Chị CHÂU ANH, một người dân sống gần chung cư

____________________________________

Nhiều em nhỏ sinh ra và lớn lên ở đây nên các em không biết được nguồn gốc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình. Lớp học không chỉ dạy chữ mà còn dạy văn hóa cho các em để các em dù nhỏ nhưng vẫn ý thức được cội nguồn.

Thầy AMIN, phụ trách lớp học tiếng Chăm
ở chung cư 86/1 Phan Văn Hân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm