Tinh thần quật khởi ấy trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 70 năm trước (19-12-1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Tinh thần ấy khiến cho mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trong cuộc kháng chiến trường kỳ giành độc lập dân tộc.
Trở lại với những hồi ức trong sự kiện toàn quốc kháng chiến mùa đông 1946, mỗi người sẽ không khỏi nghẹn ngào khi lời kêu gọi có đoạn: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm…”. Tất cả đều minh chứng cho tinh thần đã nói rõ trong lời kết của bản Tuyên ngôn độc lập rằng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
70 năm trôi qua, tinh thần giữ gìn độc lập ấy, tinh thần không chịu làm nô lệ ấy vẫn được phát huy và triển nở bất chấp những khó khăn và sai lầm phải trả giá. Từng thời đại mà dân tộc trải qua đều in hằn dấu ấn “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. “Nhất quyết không chịu làm nô lệ”, có lẽ tinh thần ấy là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của công cuộc thống nhất giang sơn, thống nhất lòng người.
Chúng ta sẽ rất có lỗi với các thế hệ cha anh nếu tinh thần “không chịu làm nô lệ” ấy không thấm đẫm vào từng suy nghĩ, hành động của mọi người con đất Việt.
Nếu lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh không thấm đượm tinh thần độc lập, bất khuất, không chịu làm nô lệ thì có lẽ tiền đề cho cuộc trường kỳ kháng chiến thống nhất nước nhà đã không thể xảy ra. Từng lát cắt của lịch sử dân tộc cũng đã chứng minh chân lý rằng: Chỉ khi nào toàn thể dân tộc không chịu khuất phục, khi ấy đất nước mới có thể vượt qua khó khăn, thậm chí khó khăn đến độ tưởng như không thể vượt qua nổi, như đêm trước đổi mới.
Bao nhiêu năm qua tinh thần “không chịu làm nô lệ” vẫn chưa bao giờ mất đi tính thời sự. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vẫn được nhắc nhớ hằng năm: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên…”.
Trong bối cảnh hiện nay, lời hiệu triệu này là cấp thiết khi Việt Nam đang quyết tâm chuyển mình. Sự nỗ lực của toàn dân, kể cả các cấp lãnh đạo, phải bình dị và dễ hiểu như lời hiệu triệu ấy. Trong thế giới hội nhập đa chiều hiện nay, lời hiệu triệu toàn bộ người Việt Nam phải đứng lên để đất nước trường tồn có lẽ không phải là điều xa vời hay xa xỉ.
Chúng ta tự hào về một Việt Nam trở thành điểm đến của thế giới nhưng đã có người cảnh báo về tình trạng phụ thuộc về kinh tế. Và nếu không thoát khỏi điều đó, con đường đi lên phía trước, sánh vai cùng “cường quốc năm châu” còn đầy chông gai, trắc trở. Liệu Việt Nam có thể bứt phá hay không? Điều đó còn tùy thuộc vào việc tinh thần “nhất quyết không chịu làm nô lệ” có thấm đẫm trong từng chính sách, từng suy nghĩ của lãnh đạo và người dân hay không.
Tinh thần của ngày toàn quốc kháng chiến nhắc nhở chúng ta một chân lý rằng: Chỉ khi nào người Việt Nam đoàn kết thành một khối thống nhất từ ý chí đến hành động, chỉ khi nào người Việt Nam “hy sinh đến giọt máu cuối cùng để gìn giữ đất nước…” thì khi đó “thắng lợi nhất định về dân tộc ta”.