Mới đây, Trường ĐH Luật TP.HCM phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tổ chức buổi hội thảo quốc tế "Thách thức toàn cầu và ứng phó của địa phương: Chuyển đổi quan hệ lao động công nghiệp và khung pháp lý tại Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi".
Tại hội thảo, nhiều vấn đề về tài xế taxi công nghệ được đưa ra bàn luận. Đây là những vấn đề mang tính thời sự về quan hệ lao động, thị trường lao động, pháp luật lao động trong bối cảnh hiện nay. Từ đó, các đại biểu đề xuất giải pháp, mô hình cải thiện môi trường làm việc, pháp luật lao động.
Buổi hội thảo về tình trạng pháp lý tài xế taxi công nghệ.
Theo khảo sát, hiện nhiều tài xế xem mình là đối tác của taxi công nghệ hơn là người lao động làm công ăn lương. Tác giả Nguyễn Khánh Phương và Nguyễn Triều Hoa (Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng lao động tự làm đang là khuynh hướng việc làm mới mà tài xế taxi lựa chọn. Ngày càng nhiều tài xế chọn hình thức hợp tác với doanh nghiệp thay vì ký hợp đồng lao động. Họ cho rằng hình thức “lao động tự làm” giúp tăng thu nhập; độc lập trong công việc, có cảm giác làm chủ và thoải mái về thời gian...
Cạnh đó, nhóm nghiên cứu gồm tác giả Lê Toàn (Đại học Monash) cùng ba đồng nghiệp đưa ra các vấn đề liên quan đến ý thức pháp luật của tài xế taxi công nghệ ở Việt Nam.
Theo đó, các tài xế công nghệ đang làm việc trong điều kiện bất lợi. Nhiều tài xế phản ánh làm việc trung bình từ 10-12 giờ/ngày nhưng không hưởng tiền làm thêm, nghỉ không hưởng lương, ít nhận hỗ trợ, bảo hộ lao động khi xảy ra tai nạn. Đồng thời, họ cũng không được tham gia và hưởng chế độ an sinh xã hội bắt buộc.
Nghiên cứu cũng cho thấy các hãng taxi công nghệ có quyền rất lớn trong xử lý kỷ luật tài xế như: khóa phần mềm. Tuy nhiên, đa số tài xế lại chấp nhận điều kiện này mà không quan tâm đến các yếu tố pháp lý liên quan đến quyền lợi người lao động.
Họ chỉ ưu tiên vấn đề kinh tế, sợ mất việc làm và so sánh với các công việc có tay nghề thấp khác. Để rồi khi có tranh chấp, các tài xế thường chấp nhận hoàn cảnh hoặc bỏ việc.
Môt trong những yếu tố tác động đến ý thức pháp luật của tài xế là sự thiếu hỗ trợ và tập huấn từ những tổ chức hữu quan, thiếu lòng tin vào pháp luật. Nguyên nhân quan trọng không kém là tình trạng pháp lý không rõ ràng đối với tài xế taxi công nghệ. Tài xế là người làm việc độc lập theo hợp đồng, hay là người lao động làm công ăn lương là câu hỏi vẫn bị bỏ ngỏ.