Nhận xét môn Lịch sử, thầy Thiều Quang Thịnh, giáo viên trường THPT Long Thới, TP.HCM cho hay trong đề thi phần lịch sử VN có 29 câu, phần lịch sử thế giới 11 câu. Trong đó chương trình lớp 11 có 2 câu, còn lại là lịch sử lớp 12.
Thí sinh sau buổi thi sáng nay. Ảnh: NGUYỆT NHI
Lịch sử lớp 12 tập trung chủ yếu nội dung học kỳ 1 chiếm 31 câu (chiếm khoảng 78%). Về mức độ: phần nhận biết, thông hiểu là 32 câu (80%), vận dụng từ câu 33 trở đi của mỗi đề (chiếm 20%).
Đề thi bám sát cấu trúc đề mình họa lần 2 môn Lịch sử của Bộ. Học sinh có khả năng làm được hơn 50% đề thi và phổ điểm có thể nhích lên so với năm trước. Đánh giá đề thi vừa sức, phù hợp xét Tốt nghiệp THPT.
Đối với môn Giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Hồng Châu, nguyên giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, cho rằng đề thi có cấu trúc và mức độ phân hóa tương tự năm 2019.
Nội dung đều nằm trong chương trình các em đã học. Trong đó, có 36 câu ở lớp 12 và còn lại ở lớp 11. Trong số câu lớp 12 có 26 câu lý thuyết, bốn câu vận dụng cao và sáu câu vận dụng thấp.
Các câu vận dụng đều về những vấn đề quen thuộc trong cuộc sống như luật hôn nhân gia đình, bình đẳng trong kinh doanh, tự do ngôn luận....
Với đề này, theo cô Châu, học sinh từ trung bình khá trở xuống rất dễ lấy 7, 8 điểm. Còn học sinh khá, giỏi chỉ cần học kỹ bài sẽ dễ đạt 9 và 10 điểm.
Đánh giá môn Địa, cô Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho hay đề thi dễ thở, mức độ khó giảm xuống so với đề minh họa.
Cấu trúc đề giống như đề minh họa. Đề gồm 14 câu Atlat, 2 câu biểu đồ, 2 câu bảng số liệu. Phần các vùng kinh tế gồm 7 câu, trong đó gồm 4 câu thông hiểu và 3 câu nhận biết. Phần các ngành kinh tế gồm có 6 câu, trong đó có 4 câu thông hiểu và 2 câu nhận biết. Phần dân cư gồm có 3 câu, cũng ở mức độ thông hiểu. Mức độ phân hóa chỉ có 4 câu vận dụng chiếm 10%. Trong đó có 3 câu vận dụng thuộc phần tự nhiên.
Mức độ số lượng câu nhận biết chiếm tới 55%, 35% ở mức độ câu thông hiểu.
Theo nhận định sơ bộ, phổ điểm của môn Địa năm này nằm trong khoảng từ 6,5 điểm đến đến 7 điểm. So với năm trước, phổ điểm thi môn Địa năm nay sẽ cao hơn.
Tổ Xã hội – Hệ thống Giáo dục HOCMAI, Hà Nội nhận xét các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm Địa lí, Lịch sử và Giáo dục công dân vẫn bao gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 50 phút và tuân thủ đúng cấu trúc đã công bố.
Trong đó, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11 (riêng môn Đia lí, không thấy xuất hiện câu hỏi lớp 11).
Riêng với các câu hỏi lớp 12, nội dung câu hỏi vẫn chủ yếu thuộc học kì I, không thuộc nội dung đã tinh giản và bám sát đề thi tham khảo.
Về độ khó của các bài thi thành phần: 75% số câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu với nội dung rõ ràng, không lắt léo, 25% số câu hỏi còn lại ở mức độ vận dụng và vận dụng cao dùng để phân hóa cho mục tiêu xét tuyển đại học. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của kì thi.
Nhận định cụ thể từng môn như sau:
Môn Lịch sử: Đề thi có 70% câu hỏi thuộc phần Lịch sử Việt Nam và 30% câu hỏi thuộc phần Lịch sử thế giới. Phần lớn các câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 (90%), trong đó chuyên đề lịch sử Việt Nam 1945-1954 xuất hiện nhiều câu hỏi nhất (9 câu), không xuất hiện câu hỏi thuộc chuyên đề Cách mạng khoa học kĩ thuật. 75% số câu hỏi trong đề ở mức độ nhận biết – thông hiểu tập trung vào những kiến thức cơ bản, hỏi về đặc trưng của các sự kiện lịch sử hoặc nét tiêu biểu của từng giai đoạn. Đề thi có sự tương đồng với đề tham khảo lần 2, đáp ứng mục tiêu xét tốt nghiệp.
Môn Địa lí: Đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12 với 75% thuộc mức độ nhận biết – thông hiểu, trong đó có 14 câu hỏi sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam (chiếm 35% tổng số câu hỏi trong đề thi). Việc có tới 14 câu hỏi sử dụng Atlat có thể coi là một lợi thế ghi điểm của thí sinh.
Ngoài ra, những câu hỏi thuộc phần kiến thức 7 điểm chủ yếu thuộc hai chuyên đề Địa lí vùng kinh tế và Địa lí ngành kinh tế; 25% câu hỏi còn lại trải đều tất cả các chuyên đề của lớp 12 và tập trung vào chuyên đề Địa lí tự nhiên và Địa lí vùng kinh tế. Các câu hỏi cực khó thuộc chuyên đề Địa lí tự nhiên và Địa lí vùng kinh tế thuộc dạng bài so sánh, câu hỏi liên chuyên đề và đảm bảo tính phân hóa cho mục tiêu tuyển sinh.
Môn Giáo dục công dân: 75% câu hỏi thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu; 25% câu hỏi còn lại bắt đầu có sự phân hóa.
Những chuyên đề xuất hiện nhiều vẫn là những chuyên đề quen thuộc như : Thực hiện pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, Công dân với các quyền tự do; Công dân với các quyền dân chủ. Đáp ứng được mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp.
Toàn đề có 90% câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 trong đó 52% tổng số câu hỏi thuộc Học kì I và 48% câu hỏi thuộc Học kì II. Đề thi có 4 câu (10%) thuộc kiến thức lớp 11. Các câu hỏi lớp 11 đều ở mức độ Nhận biết.