Tòa buộc ủy ban ra phương án bồi thường mới cho dân

(PLO)- HĐXX tuyên y án sơ thẩm, buộc UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xây dựng lại phương án bồi thường, hỗ trợ cho ba hộ dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vừa xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm vụ án hành chính mà ba hộ dân ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) kiện chính quyền về quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Thu hồi đất nhưng “né” bồi thường

Theo đơn khởi kiện, các ông Nguyễn Đức Phúc, Nguyễn Ngọc Châu và Lê Hồng Quế là chủ sử dụng ba thửa đất ở hẻm 93 đường Nguyễn Văn Cừ (phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột). Nguồn gốc của ba thửa đất là do được Nông trường 11-3 cấp đất cho cán bộ, công nhân viên làm nhà ở và một phần được ba hộ này khai phá.

Ông Nguyễn Đức Phúc chỉ khu vực nhà bị thu hồi đất. Ảnh: HT

Ông Nguyễn Đức Phúc chỉ khu vực nhà bị thu hồi đất. Ảnh: HT

Ba hộ này đã xây nhà ở từ năm 1992 đến nay và không tranh chấp với ai. Năm 2003-2007, UBND TP Buôn Ma Thuột đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) và quyền sở hữu nhà ở cho các hộ này. Trong đó, ông Phúc được Nhà nước công nhận 69,6 m2, ông Châu 141 m2 và ông Quế 67,9 m2.

Tháng 1-2020, UBND TP Buôn Ma Thuột ra thông báo thu hồi đất của ba hộ dân này để thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư tổ dân phố 4 (phường Tân Lập).

Cụ thể, thu hồi của hộ ông Phúc 55,5 m2 đất, trong đó có 6,9 m2 đất ở đã được công nhận QSDĐ; thu hồi của hộ ông Châu 79,7 m2 đất, trong đó có 14,6 m2 đất ở đã được công nhận QSDĐ; thu hồi của hộ ông Quế 38,8 m2 đất, trong đó có 6,5 m2 đất ở đã được công nhận QSDĐ.

Tháng 10-2020, UBND TP Buôn Ma Thuột ban hành Quyết định 7080 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình trên. Theo đó, chính quyền không bồi thường về phần đất đã thu hồi của ba hộ dân này mà chỉ hỗ trợ, bồi thường 80% giá trị tài sản trên đất.

Không đồng tình với việc này, các hộ dân đã có đơn khiếu nại. UBND TP Buôn Ma Thuột có công văn trả lời, bác kiến nghị của ba hộ dân trên.

Ba hộ dân này khởi kiện, đề nghị tòa án hủy một phần Quyết định 7080 của UBND TP Buôn Ma Thuột về việc bồi thường về đất và tài sản đối với ba trường hợp này. Đồng thời, họ cũng đề nghị tòa tuyên buộc UBND TP Buôn Ma Thuột lập phương án mới về việc bồi thường về đất và tài sản đối với cả ba hộ dân.

Bác kháng cáo về phần đất cơi nới

TAND tỉnh Đắk Lắk xử sơ thẩm cho rằng quá trình giải quyết vụ án, tòa án đã có văn bản yêu cầu Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cung cấp bản đồ liên quan đến vụ việc để có căn cứ giải quyết, tuy nhiên không có kết quả.

Theo nhận định của HĐXX, phần diện tích đất UBND TP Buôn Ma Thuột đã thu hồi của các hộ dân nói trên có một phần nằm trong diện tích đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Xét các trích lục của ba thửa đất trên do UBND TP lập để lên phương án bồi thường cho các hộ dân trên là không phù hợp với vị trí trong giấy chứng nhận.

Về bồi thường đối với tài sản trên đất, HĐXX cho rằng UBND TP Buôn Ma Thuột hỗ trợ 80% giá trị nhà và vật kiến trúc cho các hộ dân nhưng không đưa ra được căn cứ viện dẫn. Vì vậy, việc UBND TP Buôn Ma Thuột hỗ trợ 80% giá trị nhà và vật kiến trúc là không đúng quy định của pháp luật.

Riêng đối với phần diện tích đất cơi nới, các hộ dân cho rằng đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận nên vẫn phải được bồi thường khi thu hồi đất. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng không có căn cứ để chấp nhận đối với nội dung này.

Từ đó, HĐXX tuyên hủy một phần Quyết định 7080 của UBND TP Buôn Ma Thuột về việc phê duyệt phương án bồi thường đối với hộ ông Phúc, ông Châu và ông Quế. HĐXX tuyên buộc UBND TP Buôn Ma Thuột xây dựng lại phương án bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích đất và tài sản trên đất nằm trong diện tích đất mà các hộ dân đã được công nhận QSDĐ.

Sau phiên sơ thẩm, các hộ dân kháng cáo, đề nghị giải quyết yêu cầu bồi thường đối với phần đất cơi nới. Theo các hộ dân, diện tích đất cơi nới là do lấn chiếm nhưng đã sử dụng ổn định, lâu dài từ trước ngày 15-10-1993, không có tranh chấp nên đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Do đó, chính quyền phải bồi thường khi thu hồi diện tích đất này.

Tuy nhiên, tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.•

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM sau phiên phúc thẩm, các hộ dân trên cho biết sẽ làm đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện (bao gồm phần đất đã cơi nới trước năm 1993, đã sử dụng ổn định).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm