Tòa cho mẹ Phương Nga đối chất, có đúng luật?

Chiều qua (27-6), luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Hồ Phương Nga đã đề nghị cho mẹ Nga đối chất với nhân chứng bí ẩn Mai Phương vì lời khai nhân chứng có nhắc đến bà. Đề nghị này đã được HĐXX chấp nhận. Tuy nhiên, tại phiên xử ngày hôm trước, luật sư của Nga sau khi cung cấp chứng cứ có nguồn gốc từ mẹ Nga, đã đề nghị HĐXX bổ sung nhân chứng nhưng đề nghị này đã bị bác bỏ.

Vậy quy định của pháp luật trong trường hợp này thế nào?

Theo Trung tướng TRẦN VĂN ĐỘ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao thì vấn đề này không được quy định ở một điều luật cụ thể nào. Tuy nhiên, có thể xem xét quy định liên quan tại các điều luật về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, nội quy phiên tòa; các chương quy định chung về thủ tục tố tụng tại phiên tòa, thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục xét hỏi tại phiên toà… trong BLTTHS 2003.

Theo đó, người bào chữa có nghĩa vụ sử dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để làm sáng tỏ sự thật vụ án. Việc đề nghị tòa triệu tập thêm người tham gia tố tụng trong trường hợp này chính là nhằm làm rõ các tình tiết phát sinh liên quan đến vụ án.

Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa. Khi đã mở phiên tòa thì quyền này thuộc HĐXX. Khi người bào chữa đưa ra đề nghị thì HĐXX sẽ quyết định. Nếu chấp nhận yêu cầu thì xem như HĐXX đã triệu tập. Những người được tòa án triệu tập để xét hỏi được trình bày ý kiến, trả lời, phát biểu. Người nào muốn trình bày phải được chủ tọa phiên tòa cho phép. Việc chấp nhận đề nghị của người bào chữa hay không, nội dung khai báo, đối chất sẽ được ghi vào biên bản phiên tòa. Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Những câu hỏi và những câu trả lời đều phải được ghi vào biên bản.

Trở lại vụ Phương Nga, trước đề nghị của luật sư về việc cho bà được trình bày, đối chất thì HĐXX sẽ xem xét, cân nhắc. Nếu xét thấy cần thiết thì tòa sẽ triệu tập bà, khi đó đang ngồi theo dõi phiên xử, được quyền trình bày, trả lời đối chất nhằm làm sáng tỏ các tình tiết, giúp tòa xác định sự thật khách quan của vụ án, không làm oan người vô tội cũng như không bỏ lọt tội phạm.

Do đó, tóm lại thì việc có chấp nhận hay không đề nghị ngay tại phiên tòa của luật sư là đưa thêm người vào tham gia tố tụng là việc xem xét, cân nhắc của HĐXX.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm