Tại phiên xử phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Agribank Chi nhánh 7 mới đây, trong phần tranh luận đã xảy ra một tình huống khá lạ. Đó là việc đại diện DNTN H. (trụ sở ở quận 2, TP.HCM) đã nộp cho HĐXX đơn xin mua tài sản.
Có nhu cầu đầu tư nên muốn mua lại
Trong đơn, DNTN H. trình bày: Qua tìm hiểu về dự án MK - Riverside (phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM), DNTN H. hiện có nhu cầu đầu tư vào dự án này nên đề xuất được nhận chuyển nhượng lại toàn bộ khu đất hình thành dự án với giá 398 tỉ đồng (đã bao gồm thuế).
DNTN H. còn nêu rõ trong đơn về các phương thức thanh toán: “Ngay sau khi đơn đề nghị được chấp nhận, doanh nghiệp chúng tôi sẽ phát bảo lãnh thư giá trị 100% đơn giá mua vào tài khoản của đơn vị thụ hưởng được các cấp chỉ định hoặc sẽ xin đặt cọc và thanh toán theo lộ trình đưa ra”. Cũng theo DNTN H., sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng thì việc bảo lãnh thanh toán sẽ được thực hiện.
Theo hồ sơ, khu đất làm dự án MK - Riverside được Công ty Mai Khôi mua của ba hộ dân với tổng diện tích 22.667 m2 (trong đó có hơn 16.239 m2 có giấy đỏ) với tổng giá trị 214 tỉ đồng. Phạm Trịnh Thắng (chủ tịch HĐTV Công ty Mai Khôi) và Dương Thị Kim Luyến (vợ Thắng, nguyên giám đốc Công ty Mai Khôi) đã thế chấp khu đất này cho Agribank Chi nhánh 7 để vay tiền, được Agribank Chi nhánh 7 định giá lên tới 720 tỉ đồng. Khi vụ việc bị phanh phui, Thắng và Luyến bị quy kết đã chiếm đoạt của Agribank Chi nhánh 7 172 tỉ đồng. Khu đất này sau đó cũng bị cơ quan tố tụng kê biên để đảm bảo thi hành án...
Luật sư (LS) của bị cáo Luyến cho rằng việc có doanh nghiệp xin mua tài sản bị kê biên của bị cáo sẽ tạo điều kiện để khắc phục hậu quả vụ án. Vì vậy, HĐXX nên xem xét, nên tạo điều kiện vì đó cũng là tình tiết có lợi để giảm án cho các bị cáo.
Tuy nhiên, khi tuyên án, HĐXX đã không đề cập tới đơn xin mua tài sản nói trên của DNTN H. vì doanh nghiệp này không hề liên quan đến vụ án, không tham gia tố tụng. Riêng với Thắng và Luyến, HĐXX đã y án sơ thẩm (tù chung thân đối với Thắng, 20 năm tù đối với Luyến về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).
Phiên xử phúc thẩm vụ tiêu cực xảy ra tại Agribank Chi nhánh 7. Ảnh: H.YẾN
Nên cho hay không?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều thẩm phán cho biết pháp luật hiện hành chưa có quy định điều chỉnh trường hợp tổ chức, cá nhân xin mua lại tài sản đang bị kê biên của bị can, bị cáo trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Theo BLTTHS và các văn bản pháp luật có liên quan, khi tuyên bị cáo có tội với hình phạt cụ thể, nếu trước đó tài sản của bị cáo đã bị cơ quan tố tụng kê biên để đảm bảo thi hành án thì tòa sẽ tuyên tiếp tục giữ nguyên quyết định kê biên đó.
Vấn đề đặt ra là có nên bổ sung quy định để cơ quan tố tụng giải quyết trường hợp này khi đang giải quyết án hay không.
LS Phan Trung Hoài (Đoàn LS TP.HCM) nhận xét trong các đại án kinh tế gần đây, dư luận quan tâm nhiều đến việc khắc phục hậu quả. “Do đó, ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào, nếu có giải pháp thiết thực để khắc phục hậu quả của vụ án dưới sự giám sát của cơ quan tố tụng thì nên khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện” - LS Hoài đề nghị.
Đồng ý là việc xin mua tài sản đang bị kê biên trong vụ án để khắc phục hậu quả là tích cực nhưng LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP.HCM) băn khoăn rằng tài sản có khả năng liên quan đến nhiều người khác sẽ khó bảo đảm quyền lợi cho tất cả nếu cơ quan tố tụng giải quyết ngay trong vụ án.
Còn theo nhiều thẩm phán chuyên xét xử hình sự, cơ quan tố tụng sẽ không thể giải quyết việc mua bán, chuyển nhượng tài sản đang bị kê biên. Bởi cũng như băn khoăn của LS Trạch, các thẩm phán đều cho rằng việc mua bán, chuyển nhượng tài sản đang bị kê biên có thể còn liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân không tham gia tố tụng, liên quan đến nhiều vấn đề khác, kể cả về mặt thủ tục, giấy tờ. Rất nhiều tình huống rắc rối có thể xảy ra sau đó và cơ quan tố tụng sẽ phải đối mặt với khiếu nại, kiện tụng của những tổ chức, cá nhân cho rằng quyền lợi của họ bị xâm hại, thậm chí có nguy cơ phải bồi thường thiệt hại. Vì vậy, chuyện mua bán, chuyển nhượng tài sản này nên để cơ quan thi hành án dân sự xem xét, giải quyết theo quy định sau khi đã có bản án có hiệu lực pháp luật.
Cho bị cáo bàn chuyện bán tài sản khắc phục hậu quả Trong đại án thiệt hại 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) mà TAND TP.HCM vừa xử sơ thẩm, chủ tọa phiên tòa đã cho phép Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB) được gặp vợ, em trai để bàn phương án tìm đối tác mua lại bất động sản ở Đà Nẵng (đang bị kê biên) và những tài sản khác của bị cáo nhằm khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do vấn đề thời gian và tài chính, cuối cùng đơn vị muốn mua tài sản và phía bị cáo Danh chưa đi đến thỏa thuận mua khối tài sản trên. Bản án của TAND TP.HCM sau đó không đề cập tới chuyện này nhưng nhận định bị cáo Danh khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ án. Quá trình điều tra, bị cáo cùng gia đình giao nộp nhiều bất động sản để khắc phục thiệt hại, thể hiện thái độ ăn năn hối cải… Trong số tiền thiệt hại có khoảng 6.000 tỉ đồng có khả năng thu hồi cao nên HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt. Từ đó, HĐXX đã phạt bị cáo này tổng cộng 30 năm tù về các tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, HĐXX cũng tiếp tục kê biên bất động sản ở Đà Nẵng mà bị cáo đang thế chấp cho VNCB. |