Ngày 10-10, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm vụ Trần Nguyễn Như Thùy, Trần Ngọc Thủy, Lê Văn Ngọc, Nguyễn Văn Phúc, cùng bị truy tố về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tòa đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho VKSND TP.HCM để chuyển điều tra cùng cấp, truy tố, xét xử lại vì TAND quận 5 đã xét xử không đúng thẩm quyền.
Bị kháng nghị hủy án
Theo hồ sơ, do cần tiền để trả nợ nên vào khoảng đầu tháng 8-2017, bị cáo Thùy và Thủy đã liên hệ với Ngọc thuê làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là giấy hồng). Các bị cáo đã làm giả hai giấy hồng mang tên Thùy và Thủy với giá 3 triệu đồng/giấy, để hai bị cáo này mang đi thế chấp vay tiền. Ngọc rủ thêm Phúc làm giả giấy hồng, Phúc lại kêu một đối tượng tên Mười (chưa rõ lai lịch) làm và Phúc chỉ lấy tiền chênh lệch để hưởng lợi.
Khi Thùy và Thủy đem thế chấp hai giấy hồng nêu trên để vay tiền của một người tên T. tại quán cà phê trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 thì bị phát hiện, bắt giữ. Qua giám định khẳng định hai giấy hồng mà hai bị cáo mang đi thế chấp cho anh T. là giấy giả.
Ngoài ra, Thùy đã nhiều lần nhờ Ngọc, Phúc làm giả sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn để bị cáo thế chấp vay tiền của một số người bị hại khác với tổng số tiền hơn 1,7 tỉ đồng. Thùy còn thông qua Ngọc và Phúc giúp Thủy làm giả giấy tờ nhà đất để Thủy thế chấp vay 50 triệu đồng.
Sau đó VKSND quận 5, TP.HCM truy tố Thùy, Ngọc, Phúc về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần theo điểm b khoản 2 Điều 267 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009). Thủy cũng bị truy tố tội này nhưng theo khoản 1.
Bị cáo Trần Nguyễn Như Thùy tại tòa. Ảnh: YC
Ngày 1-6, TAND quận 5 xử sơ thẩm, tuyên phạt Thùy ba năm tù, Ngọc hai năm tù, Phúc hai năm sáu tháng tù và Thủy 10 tháng tù.
Đối với hành vi của Thùy và Thủy sử dụng giấy tờ giả để vay hơn 1,7 tỉ đồng của nhiều người bị hại khác, Cơ quan CSĐT Công an quận 5 đã tách ra thành vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tiếp tục củng cố chứng cứ, đủ cơ sở sẽ xem xét chuyển cấp thành phố điều tra theo thẩm quyền. Do đó với hành vi này HĐXX cấp sơ thẩm không xem xét.
Sau khi tòa tuyên án, một bị hại có đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm hủy một phần bản án đối với Thùy để điều tra, xét xử lại. Theo bị hại này, phải làm rõ việc bị cáo Thùy chiếm đoạt phần tiền là bao nhiêu và cuốn sổ tiết kiệm của bà do CQĐT thu giữ nhưng không đưa vào làm vật chứng của vụ án.
Đồng thời VKSND TP.HCM cũng có quyết định kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng hủy, chuyển hồ sơ vụ án lên cấp thành phố điều tra, xét xử theo thẩm quyền.
Tách hành vi không đúng
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản án sơ thẩm đã nêu. Đại diện VKS đề nghị chấp nhận quyết định kháng nghị, hủy bản án sơ thẩm theo nội dung kháng nghị.
HĐXX nhận định Thùy đã thuê Ngọc làm tổng cộng 12 giấy tờ chủ quyền tại nhà cùng một địa chỉ trên đường Hồng Bàng, quận 5, TP.HCM. Trong đó có bốn giấy chứng nhận mang tên Thủy và tám giấy chứng nhận mang tên vợ chồng Thùy. Mục đích của việc làm giả này là để người cho vay tin tưởng, từ đó bị cáo chiếm đoạt tiền. Thùy còn làm giả thêm giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu để đem thế chấp vay tiền của nhiều người. Theo kết quả trưng cầu giám định, tất cả giấy tờ trên đều là giả.
Theo HĐXX, bản án hình sự sơ thẩm có nhiều nội dung chưa được làm rõ. Cụ thể, bị cáo Thùy và Thủy đã có ý định làm giả giấy chứng nhận giấy hồng để những người cho vay tin tưởng mà cho vay tiền. Riêng bị cáo Thùy còn thể hiện quyết tâm thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn làm giả thêm các giấy tờ khác để người cho vay hoàn toàn tin tưởng khi đối chứng, kiểm tra. Trong khi thực tế các bị cáo phải có đầy đủ các giấy tờ này mới vay được tiền. Bị cáo Thùy đã làm giả 12 giấy chứng nhận đối với cùng một căn nhà để vay hơn 1,7 tỉ đồng.
Do vậy, đây là một chuỗi hành vi có mối quan hệ mật thiết với nhau. Việc cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm tách hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra sau là không đảm bảo tính liên quan, khách quan trong vụ án.
Mặt khác, bị cáo Ngọc đã tìm người làm giả các giấy tờ cho bị cáo Thùy và Thủy, đồng thời cũng đi cùng hai bị cáo này đến vay tiền. Sau khi vay được tiền thì Thùy cho bị cáo Ngọc số tiền từ 1 triệu đến 5 triệu đồng. Như vậy, bị cáo Ngọc biết hành vi làm giả giấy tờ của Thùy và Thủy hay không, có cùng đi với các bị cáo để chiếm đoạt tiền hay không cũng chưa được điều tra làm rõ.
Ngoài ra, cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức nhưng lại giải quyết phần dân sự là không đúng.
Tại phiên tòa, một bị hại có yêu cầu làm rõ sổ tiết kiệm có phải là tiền của bà hay không để có căn cứ xem xét trả lại phần tiền này. Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo Thùy phải bồi thường nhưng không xem xét phần này là không đảm bảo quyền lợi cho người bị hại.
Vì vậy, đây là vụ án thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử cấp thành phố nên việc TAND quận 5 xét xử sơ thẩm là vi phạm thủ tục tố tụng. Do đó, HĐXX phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của VKSND TP.HCM, chấp nhận kháng cáo của người bị hại, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. HĐXX cũng tuyên giao hồ sơ vụ án cho cơ quan tố tụng TP.HCM truy tố, xét xử lại.