Tòa y án sơ thẩm, kiến nghị giám đốc thẩm vụ trà giả ở Cần Thơ

Ngày 23-12, TAND TP Cần Thơ xét xử phúc thẩm vụ sản xuất, buôn bán trà giả từng gây xôn xao dư luận năm 2016.

Vụ án đưa ra xét xử do có ba bị cáo Nguyễn Tiến Thắng, Nguyễn Văn Hồng và Huỳnh Văn Giàu kháng cáo xin được hưởng án treo.

Từ trái qua, các bị cáo Giàu, Thắng và Hồng tại tòa phúc thẩm ngày 23-12. Ảnh: NHẪN NAM

Sau khi xét xử phúc thẩm, HĐXX đã quyết định bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm, phạt các bị cáo Thắng hai năm ba tháng tù, Hồng hai năm tù, cùng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm; bị cáo Giàu bị phạt hai năm tù về tội buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Đồng thời, HĐXX cũng đề nghị xem xét việc giám đốc thẩm đối với vụ án này.

Theo tòa, các bị cáo trong vụ án này phạm tội nhiều lần với quy mô thương mại, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, gây thiệt hại sức khỏe người tiêu dùng, gây tiệt hại nền kinh tế của các doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả, làm mất uy tín của các doanh nghiệp này. Mức độ và quy mô phạm tội rất lớn…

Tòa cho rằng mức hình phạt sơ thẩm đã tuyên là quá nhẹ, không đảm bảo tác dụng giáo dục răn đe và phòng ngừa chung. Do không có kháng nghị về tăng hình phạt nên HĐXX giữ nguyên các mức án như đề nghị của VKS. Cần thiết phải kiến nghị xem xét lại bản án hình sự theo hướng giám đốc thẩm.

Theo bản án sơ thẩm, ngày 9-4-2016, Công an quận Ninh Kiều bắt quả tang Lưu Ngọc Vinh cùng 3 nhân viên đang sang bao, đóng gói trà giả nhiều nhãn hiệu tại một nhà ở đường Võ Văn Kiệt. Các gói trà mang nhiều nhãn hiệu, có địa chỉ sản xuất ở xã Phúc Xuân, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên và phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Sau kiểm tra, công an thu giữ nhiều tang vật, đặc biệt là 28.830 gói trà thành phẩm mang nhãn hiệu Thanh Bình, Bảo Tín, Long Phụng, Ngọc Trang, Trường Hưng, Hiệp Thành; 3.000 kg trà nguyên liệu chưa thành phẩm; 3.799 kg bao bì, nhãn hiệu các loại trà của nhiều cơ sở có uy tín cùng nhiều loại máy móc đóng gói chuyên dụng.

Các cơ sở sản xuất trà giả của Vinh bắt đầu hoạt động từ năm 2014. Quy trình sản xuất trà giả của Vinh là mua nguyên liệu giá rẻ về, trộn với tỉ lệ 20-30% trà nguyên liệu Thái Nguyên với 70-80% trà nguyên liệu Bảo Lộc…

Qua chứng từ, sổ sách, từ tháng 2-2015 đến khi bị bắt, công an xác định tổng doanh số bán trà của Vinh là gần 8,5 tỉ, trong đó, doanh số bán trả giả gần 7,4 tỉ.

 

Bị hủy án vì phạm tội nhiều lần vẫn được hưởng án treo

Theo hồ sơ, trong vụ án này có một bị cáo là Phạm Quang Phương Đoàn. Đầu năm 2016, công an quận Bình Thủy (Cần Thơ) phát hiện Đoàn sản xuất trà giả. Đến tháng 4-2016, công an quận Ninh Kiều khám xét cơ sở sản xuất trà giả của Vinh thì Vinh khai chính Đoàn là đầu mối tiêu thụ của mình.

Đầu năm 2017, Đoàn bị TAND quận Bình Thủy phạt hai năm sáu tháng tù treo về tội sản xuất hàng giả là thực phẩm. Đến tháng 12-2017, TAND quận Ninh Kiều xử vụ của Vinh với 7 bị cáo thì Đoàn cũng chỉ bị phạt tù treo cùng sáu bị cáo khác.

Sau đó vụ án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Năm 2018, Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy bán án của TAND quận Ninh Kiều để điều tra lại.

Xử sơ thẩm lần hai vào tháng 9 vừa qua, TAND quận Ninh Kiều đã tuyên phạt Vinh hai năm sáu tháng tù, phạt bổ sung 45 triệu, tịch thu tiền thu lợi bất chính 300 triệu. Đoàn bị phạt hai năm ba tháng tù. Ba bị cáo khác bị phạt từ hai năm đến hai năm ba tháng tù. Có hai bị cáo bị phạt hai năm tù treo.

Sau đó, có 3 bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo thì tòa đã xử như trên.

Lần đầu các bị cáo bị truy tố, xét xử theo khoản 2 Điều 157 BLHS năm 1999 có khung hình phạt từ 5-12 năm tù. Sau khi điều tra lại, các bị cáo bị truy tố, xét xử theo khoản 1 điều luật trên, có khung hình phạt từ 2-7 năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm