Ba thập niên qua, số sinh viên (SV) du học mỗi năm tăng đều. SV nước ngoài giành bằng tiến sĩ chiếm 30% tại Mỹ và 38% tại Anh. Tại Mỹ, 20% giáo sư đại học (ĐH) mới được mời giảng dạy trong các ngành khoa học-kỹ thuật đều là người nước ngoài.
Toàn cầu hóa kiến thức giáo dục đại học
Hợp tác liên ĐH là một trong những xu hướng mới nhất (chẳng hạn chương trình nghiên cứu Trung Quốc học và Hoa Kỳ học giữa ĐH Johns Hopkins và ĐH Nam Kinh hoặc chương trình đào tạo MBA giữa MIT-Singapore). Thế giới toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho những chương trình hợp tác và liên kết đào tạo. Từ sáng kiến của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhiều ĐH nước ngoài, từ ĐH Mahatma Gandhi (Ấn Độ) đến ĐH Kỹ thuật-Kinh tế St. Petersburg, đều hiện diện tại Làng Kiến thức (hoạt động từ năm 2002) tại Dubai. SV bản địa Qatar cũng có thể tiếp cận hệ thống giáo dục ĐH Mỹ (từ phân nhánh ĐH Y dược Cornell hoặc phân nhánh chuyên đào tạo ngoại giao của ĐH Georgetown) tại TP Giáo dục Qatar. Newsweek cho biết ĐH Nottingham (Anh) hiện có phân nhánh gần Thượng Hải; Viện Kỹ thuật Rochester có chi nhánh đào tạo tại Croatia hoặc ĐH Monash (Úc) có chi nhánh tại Malaysia. Nói cách khác, khái niệm du học tại chỗ đang là trào lưu.
Từ năm 2000, số phân nhánh ĐH được mở rộng toàn cầu đã tăng gấp đôi, lên khoảng 80, trở thành khu vực nhỏ nhưng phát triển cực nhanh trong ngành công nghiệp giáo dục quốc tế trị giá 30 tỉ USD. Xu hướng này đặc biệt nổi bật khi giáo dục ngày càng được nhìn nhận là một sản phẩm, có thể xuất-nhập khẩu và tất cả đều cùng có lợi - xét ở người mua sản phẩm (đối tượng SV) lẫn người bán (đối tượng kinh doanh ĐH). Trong thực tế, sản phẩm giáo dục ĐH đang được đầu tư như một hình thức kinh doanh chất xám nóng nhất. Trong khi đó, tất cả “người bán” đều tăng cường chiến dịch tiếp thị cũng như xây dựng thương hiệu (có thể thấy rõ xu hướng trên ngay tại Việt Nam với hàng loạt cuộc đổ bộ và quảng cáo rôm rả từ các ĐH nước ngoài)…
Xu hướng thứ hai nổi bật không kém là thực tiễn hóa kiến thức ĐH. Nói rõ hơn, đó là việc “thương mại hóa” giáo dục ĐH với các chương trình liên kết đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng, giữa ĐH và công nghiệp. Mỹ từ lâu đã rất thành công trong thương mại hóa giáo dục ĐH (Thung lũng Silicon do ĐH Stanford tạo ra và khu vực Route 128 ngoại ô Boston lâu nay là đồn trú của các công ty vốn được thành lập từ các SV tốt nghiệp MIT và Harvard). Năm 2014, hệ thống giáo dục ĐH Mỹ nhận được 33,8 tỉ USD đóng góp từ các thành phần ngoài ngành và ngoài chính phủ (chỉ trong năm nay, đầu tháng 7-2015, tỉ phú John A. Paulson đã tặng 400 triệu USD cho Harvard; nơi dự kiến quyên được 6,5 tỉ USD vào trước năm 2018). Tại nhiều nơi, các chính phủ đang khuyến khích ứng dụng mô hình trên với việc xây dựng nhiều công ty vệ tinh quanh ĐH để thuận lợi hơn cho kết nối nghiên cứu và ứng dụng giá trị thực tiễn công trình. Gần đây, Nhật bắt đầu chính sách phân phối quỹ nghiên cứu trực tiếp cho giáo sư ĐH.
Giảng đường Harvard.
Giáo dục đại học không chỉ là học
Một số ĐH thuộc thế giới thứ ba đã bắt đầu có công trình nghiên cứu đẳng cấp thế giới. Khoa Thực vật học tại ĐH Sao Paulo là nơi đầu tiên giải mã bí ẩn gien của vi khuẩn Xylella fastidiosa. Công trình có sức hấp dẫn đến mức đã thu hút được tài trợ toàn cầu cũng như gây chú ý thế giới (trong đó có Bộ Nông nghiệp Mỹ). Một lần nữa, chỉ chính sách tốt và hợp lý mới đem lại sự tươi sáng cho môi trường giáo dục ĐH. Cuối thập niên 1980, ĐH Makerere (Uganda) gần như phá sản nhưng hiện thời trường này đã tăng gấp năm số SV. Makerere áp dụng chế độ học phí cho 80% SV và 1/3 doanh thu có được từ nhiều hoạt động liên kết doanh nghiệp, chẳng hạn công nghiệp sản xuất bánh ngọt hoặc tư vấn.
Tại Ấn Độ, số SV đã tăng gần gấp đôi trong thập niên 1990, từ 4,9 triệu lên 9,4 triệu. Ấn Độ đi theo hướng chuyên biệt hóa và đầu tư (một cách) tập trung. Ngân sách nhà nước đổ vào tối đa cho Viện y học toàn Ấn, Viện khoa học Ấn Độ tại Bangalore và Viện kỹ thuật Ấn Độ (IIT). Các trung tâm nghiên cứu này đã đưa Ấn Độ nhanh chóng kết nối với nền kinh tế tri trức toàn cầu. IIT chẳng hạn, họ thường cho SV sang Mỹ mỗi mùa hè và trường cũng mở cửa nhận tài trợ nghiên cứu từ các công ty đa quốc gia như Sun Microsystems, Cisco, Volvo và Ford…
Thu hút chất xám là một chính sách nổi bật nữa. Tại khu phức hợp Biopolis (Singapore), người ta đã “soạn” bộ “Bách khoa sự sống”. Dựa vào công trình bộ gen người, bộ “Bách khoa sự sống” được nghiên cứu nhằm xác định hàng triệu protein trong cơ thể (ứng dụng trong bào chế dược phẩm) với hợp tác giữa Singapore và Trung tâm Siêu máy tính San Diego cùng nhiều đối tác khắp thế giới. Theo Ngân hàng Credit Lyonnais Securities Asia và công ty tư vấn Mỹ Life Sciences Insights, Singapore hiện đứng đầu châu Á về nghiên cứu sinh học với tham vọng trở thành cường quốc về trị liệu gen.
BusinessWeek cho biết khoảng 30% trong 4.000 tiến sĩ làm việc tại Singapore đều là người nước ngoài (tiến sĩ Mỹ gốc Hoa Edison Liu - từng làm việc tại Viện nghiên cứu ung thư quốc gia Hoa Kỳ - đã trở thành giám đốc Viện gen học Singapore). Alan Colman (người thực hiện ca sinh sản vô tính cừu Dolly) cũng đến Singapore năm 2002 để làm việc trong dự án nghiên cứu tế bào gốc nhằm chữa tiểu đường và khoa học gia lừng lẫy người Anh David Lane bắt đầu làm việc tại Viện Sinh học phân tử tế bào Singapore từ cách đây 10 năm. Tiến sĩ Nhật Yoshiaki Ito (chuyên gia ung thư dạ dày từng dạy ĐH Kyoto nay định cư Singapore) đã nhấn mạnh đến yếu tố thực tiễn trong nghiên cứu khoa học Singapore: “Trong khi Nhật chỉ chăm bẳm giật giải Nobel, Singapore lại quan tâm hợp tác chặt chẽ giữa hệ thống viện nghiên cứu và công nghiệp”.
Cuối cùng, có thể thấy quan niệm “chất xám là một thứ hàng hóa cao cấp” bắt đầu trở thành bản lề của tư duy (rằng), học và dạy kiến thức ĐH cho thực tiễn tương lai và vì sự hưng thịnh đất nước, có giá trị quan trọng như thế nào, khi xét đến trường hợp NIIT (National Institute Of Information Technology) do Rajendra Pawar sáng lập. Rất lâu trước khi các công ty Mỹ đổ bộ vào Ấn Độ, Rajendra Pawar đã “mạo hiểm” đến Mỹ, đề nghị với IBM rằng NIIT có thể đào tạo nhân viên IBM! Thật bất ngờ, IBM bị thuyết phục và bây giờ NIIT đã trở thành nhà đào tạo đẳng cấp thế giới về công nghệ thông tin (IT), đồng thời là nhà cung ứng nhân lực lấy chi phí thấp nhất so với bất kỳ nơi nào thuộc các nước phát triển. Pawar đã biến NIIT thành một hiện tượng toàn cầu.
Gút lại, vấn đề cũng chỉ là tư duy. Một khi tư duy dạy và học ĐH còn luẩn quẩn với lối cung cấp kiến thức tháp ngà thì sự phát triển đất nước tiếp tục còn là một viễn cảnh mơ hồ và một số người ngồi ghế ĐH vẫn chưa có thể được xem là “rường cột” quốc gia.