Tồn tại giá trần vé máy bay là sự vô lý khủng khiếp

(PLO)- Các chuyên gia đề nghị bỏ trần vé máy bay để theo luật thị trường. Trong đó, nhà nước cần có các công cụ giám sát, điều tiết tránh thao túng giá cả, độc quyền.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 24-2, Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam tổ chức tọa đàm khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt.

Các đại biểu nhận định ngành hàng không đang đối diện với nhiều khó khăn khi thị trường quốc tế có tốc độ hồi phục chậm.

"Ngập ngụa trong nợ"

Theo ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, bay quốc tế đóng góp 40% sản lượng khách, nhưng doanh thu chiếm tới 60% và nội địa ngược lại. Tuy nhiên, thị trường quốc tế đang phục hồi rất chậm khi chính sách miễn thị thực của Việt Nam còn hạn chế. Ngày 8-1 vừa qua, Trung Quốc chưa đưa Việt Nam vào 20 quốc gia cấp visa theo đoàn. Nhật Bản và Hàn cũng đang siết lượng khách.

Báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cũng nhận định khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phục hồi chậm nhất so với các khu vực khác. Dự kiến lạc quan đến cuối 2024 mới phục hồi so với 2019 – thời điểm trước dịch COVID-19.

Cùng nhận định, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho rằng Việt Nam là một trong số các quốc gia sớm mở cửa du lịch và hàng không. Nhưng không đạt được các chỉ số như kỳ vọng về lượng khách.

Nguyên nhân, các thị trường hàng không truyền thống đi và đến Việt Nam đều chưa mở cửa, hoặc mở cửa rất thận trọng như Trung Quốc, Nhật Bản… Song song đó là tâm lý người dân e ngại đi du lịch nước ngoài, chọn đi trong nước vì lý do an toàn và xuất phát từ yếu tố thu nhập.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước. Ảnh: V.LONG

Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước. Ảnh: V.LONG

Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không cho rằng, tình hình tài chính của các hãng bay Việt Nam không có “màu hồng”, ngập ngụa trong nợ. Các hãng bay đứng trước một cuộc khủng hoảng và nhiều rủi ro trong thời gian tới.

Hai năm trước, các hãng lỗ và nợ nhiều nhưng không sợ vì chủ thuê máy bay lấy về không biết cho ai thuê. Nhưng hiện nay thị trường cho thuê máy bay nóng, Châu Âu và Mỹ đang thiếu máy bay. Nếu không trả nợ, họ thẳng thừng thu hồi và thuê tòa án để kiện và thu tài sản.

Cho rằng các hãng bay quốc tế bắt đầu có lãi, nhưng Việt Nam vẫn còn thanh khoản rất yếu, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet kiến nghị phải có cơ chế giúp ngành hàng không phục hồi, để không mất nguồn thu ở thị trường trong nước khi đối diện với sự cạnh tranh của các hãng bay thế giới. Và sự phục hồi hàng không sẽ kéo theo tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Cần bỏ trần giá vé máy bay

Với khó khăn trên, ông Trịnh Ngọc Thành cho rằng cần mạnh dạn thay đổi chính sách về giá, trước mắt là điều chỉnh nghị định để nới giá trần vé máy bay và tiến tới sửa Luật Hàng không dân dụng theo hướng bỏ quy định mức giá trần vé máy bay như hiện nay.

Cạnh đó Chính phủ cần xem xét tăng số lượng quốc gia và kéo dài thời hạn miễn visa vào Việt Nam. Đàm phán với Chính phủ Trung Quốc về việc miễn visa. Song song đó cần giữ nguyên một số giá dịch vụ ở các sân bay.

“Riêng đường bay nội địa đang gánh một loạt các thuế, chi phí nhưng bay quốc tế lại đang tự do. Nên hiện giá vé một số đường bay quốc tế giảm hơn so với bay nội địa…”, ông Thành nói.

Theo ông Lương Hoài Nam, quy định giá trần vé máy bay cho đến nay là sự vô lý khủng khiếp và cần chấm dứt càng sớm càng tốt. Lý do là thế giới không nước nào quản lý vé bay bằng giá trần.

Chuyên gia Lương Hoài Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: V.LONG

Chuyên gia Lương Hoài Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: V.LONG

Cạnh đó, doanh thu các hãng bay trong nước có hai giai đoạn cao điểm là hè (vào tháng 6-7), còn tết chỉ cao điểm một chiều. Nếu bỏ giá trần thì các hãng cải thiện được các giai đoạn thấp điểm. Giá trần kìm hãm sự tăng trưởng của hàng không nội địa vì thị trường này hoàn toàn không phụ thuộc vào giá vé đắt. Thị trường nội địa càng nhiều vé rẻ sẽ tăng trưởng càng tốt.

“Quan điểm của tôi là sửa luật, nghị định bỏ trần giá vé cho thị trường quyết định dựa trên nền kinh tế thị trường. Nhà nước chỉ quản lý dịch vụ độc quyền, chứ không quản lý các dịch vụ cạnh tranh…”, ông Nam nói.

Còn ông Trần Thọ Đạt, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết Việt Nam mở cửa hàng không chậm so với thế giới nhưng vì sao khách quốc tế lại ít đến nước ta. Nguyên do Việt Nam mới cấp thị thực cho 25 nước, trong khi Philippine miễn visa 150 nước. Nên các ràng buộc này cần khắc phục để mở cửa hơn nhằm phục hồi thị trường hàng không.

Về giá trần vé máy bay, ông Đạt cho rằng giá cả dịch vụ hàng không khác giá cả hàng hóa thông thường, bởi giá hàng hóa thông thường niêm yết giá và mặc cả được, còn mua vé máy bay đến khi mua mới biết giá bao nhiêu. Giá dịch vụ hàng không xét phương diện cấu trúc giá vé phức tạp hơn khi phụ thuộc nhiều giá nguyên nhiên liệu, thuê máy bay, nhân lực, biến động tỉ giá…

“Hiện rất ít nước áp giá sàn và trần, sớm hay muộn nên bỏ giá trần và có công thức điều hành giá và tạo khung dao động đảm bảo mức độ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch phù hợp với lợi ích của người dân…”, ông Đạt nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm