Cục Hàng không Việt Nam mới đây có công văn gửi Bộ GTVT báo cáo một số giải pháp giảm chi phí cho ngành hàng không trước giá xăng tăng cao. Trong đó đáng chú ý là việc đơn vị này đề xuất tăng giá trần vé máy bay nội địa lên 3,75% so với quy định hiện hành.
Các hãng khó cân đối chi phí
Với đề xuất trên, đây là lần thứ ba Cục Hàng không Việt Nam đưa ra đề xuất nới giá trần với lý mục đích tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không đang chịu sức ép chi phí giá nhiên liệu tăng cao.
Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ngày 1-7, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á đã lên tới 153,59 USD/thùng, nâng mức giá bình quân năm nay lên ngưỡng 143,4 USD/thùng.
Sau dịch COVID-19 hàng không nội địa đã phục hồi mạnh. Ảnh: V.LONG |
Quy chiếu vào giá thành lĩnh vực hàng không dân dụng, Cục Hàng không cho biết chi phí nhiên liệu tháng 7-2022 của các hãng đã tăng 92,91% so với tháng 12-2014 và 114,93% so với tháng 9-2015.
Giả định các chi phí khác không biến động, thì chỉ tính riêng chi phí nhiên liệu, vốn chiếm 39,5% tổng chi phí, đã khiến tổng chi phí sản xuất của các hãng bay nội địa tăng lần lượt 39,61% và 46,5% so với thời điểm tháng 12-2014 và tháng 9-2015.
Giá vé ngành hàng không hiện theo cơ chế linh hoạt, với nhiều dải giá từ thấp đến cao tùy thuộc điều kiện vé, thời điểm xuất vé và điều kiện thị trường. Vậy nên, quản lý nhà nước về giá, theo Cục Hàng không, điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa là phù hợp.
“Với mức giá dầu Jet A1 và trần giá vé như hiện nay, không hãng hàng không nào cân đối được chi phí, kể cả các hãng hoạt động theo mô hình chi phí thấp” - ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Quan điểm hãng hàng không
Bộ GTVT đang quản lý khung giá khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa bằng Thông tư 17/2019. Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho rằng khung giá này được xây dựng trên cơ sở giá nhiên liệu bay chỉ khoảng 80 USD/thùng, khác xa bối cảnh hiện nay.
Lúc này, kinh tế toàn cầu đang trong quá trình phục hồi sau giai đoạn dịch bệnh nên nhu cầu năng lương tăng cao, lại cùng lúc với xung đột Nga – Ukraine nên giá dầu máy bay Jet A1 tăng vọt lên mức 160 – 170 USD/thùng, có thời điểm hơn 200 USD/thùng.
“Cần nới giá trần để phản ánh thị trường vận tải hàng không nội địa có tính cạnh tranh, giá vé được điều tiết bởi chính các hãng tham gia khai thác. Việc nới khung giá cũng giúp Vietnam Airlines có thêm nguồn thu từ những khách có khả năng chi trả” - ông Hà phân tích.
Trong khi đó, đại diện Bamboo Airways cho rằng một ngành dịch vụ cao cấp như hàng không không nên bị khống chế bởi giá trần. Thay vào đó, việc điều hành giá nên tuân theo cơ chế thị trường để các hãng có thêm lựa chọn trong hoạt động kinh doanh.
Đại diện Vietjet Air cũng đồng quan điểm ủng hộ đề xuất nâng giá vé trần phù hợp với mức giá xăng dầu hiện nay.
Trước lo ngại việc điều chỉnh mức giá trần đồng nghĩa với tăng giá vé máy bay đồng loạt, các hãng bay cho rằng cơ chế này sẽ chỉ hỗ trợ linh hoạt nhằm giãn biên độ dải vé phù hợp với thị trường, đồng thời giúp hãng chủ động có những điều chỉnh kịp thời khi giá nhiên liệu biến động.
Quản lý bằng giá trần đã lạc hậu?
Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, quản lý nhà nước bằng cơ chế giá trần đã lạc hậu, nên bỏ hẳn. Thay vào đó nên áp dụng các quy định pháp luật về chống độc quyền nhóm, thúc đẩy cạnh tranh về giá theo cơ chế thị trường. “Nếu sau khi bỏ giá trần mà giá vé tăng cao một cách vô lý thì hành khách sẽ chọn di chuyển bằng cách khác, hoặc đi du lịch ở nơi khác” - ông nói.
Trong khi đó, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, cho rằng cơ chế quản lý giá của Nhà nước trong kinh tế thị trường phụ thuộc vào tính chất của loại hình thị trường đó, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước.
Theo đó, thị trường độc quyền, Nhà nước phải quy định mức giá cụ thể, còn ở mức độ cạnh tranh như mặt hàng xăng dầu, có đơn vị thống lĩnh thị trường (Tập đoàn Xăng dầu VN - Petrolimex vẫn chiếm khoảng 50% thị phần) thì Nhà nước quy định giá trần hoặc giá sàn. Trường hợp không có DN thống lĩnh thị trường thì để cho thị trường tự quyết định.
Hồi tháng 4, Bộ GTVT từng “bác” đề nghị tăng giá trần vé máy bay, với lý do giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt. Các hãng hàng không vẫn có thể chủ động điều chỉnh các mức giá và tỉ lệ bán vé tương ứng với từng mức giá để giảm thiểu tác động về chi phí do biến động giá nhiên liệu.
Đến hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ GTVT, hôm 28-6, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng nhận định các hãng dù đã khôi phục được nhiều đường bay và giải quyết được vấn đề dòng tiền, song giá nhiên liệu theo thang chóng mặt khiến doanh thu vẫn chưa bù đắp được chi phí. Ước tính các hãng vẫn gánh lỗ gần 100 tỉ/tháng.