Đề xuất quy định giá trần vé máy bay khi đường bay có 1 hãng khai thác

(PLO)- Theo VCCI, Bộ GTVT nên tiếp cận vấn đề giá dịch vụ vận tải hàng không theo hướng Nhà nước chỉ định giá đối với các đường bay nội địa mà chỉ có một hãng hàng không khai thác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi tham vấn các doanh nghiệp và chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT góp ý về báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Theo đó, VCCI cho rằng, theo phản ánh của một số doanh nghiệp thì việc giám sát tuân thủ phân bổ slot (giờ hạ, cất cánh) không được thực hiện nghiêm túc trong thời gian trước, dẫn đến tình trạng sử dụng slot không hiệu quả vẫn diễn ra.

Tháng 8, Cục Hàng không Việt Nam đã thu hồi nhiều slot của doanh nghiệp không đáp ứng tần suất sử dụng để được duy trì slot lịch sử. Đây là việc cần được thực hiện nghiêm túc và công khai, minh bạch, bảo đảm sự công bằng giữa các hãng bay và giúp sử dụng nguồn lực quốc gia một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện cơ quan nhà nước chưa xây dựng được cơ chế phân bổ chỗ đỗ máy bay qua đêm một cách chi tiết như đối với slot bay, trong khi đây cũng là một điểm nghẽn cho sự phát triển của ngành. Nhằm tạo sự công khai, minh bạch, công bằng, tránh quá tải và tận dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu vấn đề phân bổ chỗ đỗ máy bay, có thể tính đến phương án đấu giá giữa các doanh nghiệp.

Thời gian qua nhiều hãng bay muốn tăng giá trần vé máy bay để bù lại những thiệt hại do dịch COVID-19. Ảnh: V.LONG

Thời gian qua nhiều hãng bay muốn tăng giá trần vé máy bay để bù lại những thiệt hại do dịch COVID-19. Ảnh: V.LONG

Về quản lý giá dịch vụ vận tải hàng không, VCCI cho rằng, hiện nay Nhà nước vẫn duy trì việc quản lý giá đối với dịch vụ vận tải hàng không theo khung giá đối với các đường bay nội địa. Dự thảo báo cáo đề xuất vẫn tiếp tục quy định mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Đây là sự can thiệp không cần thiết của Nhà nước vào thị trường.

Cách tiếp cận của Luật Giá đang được soạn thảo hiện nay là Nhà nước chỉ định giá đối với các hàng hoá, dịch vụ có tính độc quyền. Đây là cách tiếp cận phù hợp vì trường hợp không có độc quyền thì người tiêu dùng có quyền lựa chọn nhà cung cấp nào có mức giá tốt hơn so với chất lượng dịch vụ.

“Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo sử dụng cách tiếp cận này trong lĩnh vực hàng không, đó là Nhà nước chỉ định giá đối với các đường bay nội địa mà chỉ có một hãng hàng không khai thác…”- VCCI cho hay.

Về các cửa hàng dịch vụ tại sân bay, VCCI cho biết nhiều doanh nghiệp và hành khách phản ánh tình trạng một số sân bay chỉ cho phép một hoặc một số rất ít các đối tác vào cung cấp dịch vụ cho hành khách như cửa hàng miễn thuế, nhà hàng ăn uống, taxi. Điển hình là sự việc gần đây sân bay Phú Bài chỉ cho phép một hãng taxi vào đón trả khách.

Theo khuyến nghị của Tổ chức hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD), do đặc tính tự nhiên, các dịch vụ phục vụ hành khách tại sân bay rất dễ nảy sinh các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh, các thoả thuận hạn chế cạnh tranh.

“Do đó, cơ quan soạn thảo cần bổ sung thêm vấn đề bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng khi các sân bay do Nhà nước đầu tư tự mình hoặc hợp tác với đối tác khác khi cung cấp dịch vụ cho hành khách…”- VCCI đề nghị.

Nhằm chuẩn bị các bước để sửa đổi và bổ sung Luật Hàng không dân dụng Việt Nam trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành đối với báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là việc Bộ GTVT bày tỏ quan điểm giữ nguyên giá trần vé máy bay nội địa nhưng đề xuất bỏ định giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng hóa nội địa.

Theo PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính, cơ chế quản lý giá của Nhà nước trong kinh tế thị trường phụ thuộc vào tính chất của loại hình thị trường đó, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan nhà nước.

Theo đó, thị trường độc quyền, Nhà nước phải quy định mức giá cụ thể, còn ở mức độ cạnh tranh như mặt hàng xăng dầu, có đơn vị thống lĩnh thị trường (chẳng hạn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex vẫn chiếm khoảng 50% thị phần) thì Nhà nước quy định giá trần hoặc giá sàn. Trường hợp không có DN thống lĩnh thị trường thì để cho thị trường tự quyết định.

Với nguyên tắc trên, cơ quan quản lý nhà nước cần xem vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không có bao nhiêu DN tham gia, thị phần nắm giữ của từng DN như thế nào, thực trạng, tính chất thị trường ra sao, có độc quyền, thống lĩnh thị trường không. “Từ đó, cơ quan nhà nước đưa ra quyết định chứ không thể nói theo cảm tính được…” - PGS-TS Ngô Trí Long nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm