Theo ông Phúc, việc giám sát và xử lý môi trường là bài học vô cùng đắt giá mà các nước đi trước đã phải trả giá. Việt Nam là nước đi sau, không nên vấp phải những sự cố như vụ xả thải ở Formosa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở bốn tỉnh miền Trung. Từ trung ương đến địa phương cần phải kiểm soát chặt chẽ về tác động môi trường khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.
Trả lời câu hỏi, tới đây QH sẽ thể hiện vai trò giám sát như thế nào đối với các dự án lớn, ông Phúc khẳng định không chỉ các dự án lớn mà các dự án nhỏ cũng cần phải được kiểm soát chặt chẽ về môi trường. Vì theo ông, nhiều dự án nhỏ cộng lại thì mức độ gây ô nhiễm môi trường lớn hơn gấp nhiều lần dự án lớn.
Tuy nhiên, ông Phúc cũng cho rằng tùy theo dự án đầu tư mà phân cấp cho các địa phương, bộ ngành quản lý và giám sát, đối với các dự án lớn, nhạy cảm là Chính phủ quyết định.
“Bài học từ Formosa đã gửi cho chúng ta một thông điệp từ trung ương đến địa phương: tất cả cùng phải quản lý chứ không phải chỉ có dự án lớn. Vì nhiều dự án nhỏ cộng lại thì mức độ ô nhiễm có khi còn lớn hơn rất nhiều lần. Do đó, vai trò kiểm soát môi trường là rất quan trọng khi chúng ta phát triển kinh tế” - ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký QH khóa 13.
Liên quan đến việc đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề xuất thành lập một ủy ban lâm thời của QH giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước, chẳng hạn như giám sát vấn đề môi trường tại một số dự án lớn, mà trước mắt là Fomosa, ông Phúc cho hay đó mới chỉ là ý kiến cá nhân của đại biểu. Còn để thành lập được ủy ban lâm thời này thì cần phải có một quy trình cụ thể.