“Sự cố môi trường do Formosa gây ra khiến cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ngày 20-7.
Formosa gây ô nhiễm, dân bất bình
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay thời gian qua cả nước đối diện với nhiều khó khăn như thời tiết diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tăng, mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (đặc biệt là sự cố cá chết)… làm xáo trộn đời sống người dân. Thay mặt Quốc hội, bà Kim Ngân gửi lời chia sẻ khó khăn với đồng bào cả nước, đồng thời yêu cầu các cơ quan nhà nước giải quyết có hiệu quả, nhanh chóng những vấn đề liên quan đến sản xuất và đời sống của dân.
Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày cũng nhấn mạnh: “Sự cố môi trường do Formosa gây ra đã khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân”.
Theo ông Nhân, cử tri hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo xác minh, kết luận và công bố công khai nguyên nhân cá chết hàng loạt là do Công ty Formosa vi phạm pháp luật về đầu tư và bảo vệ môi trường. “Tuy nhiên, cử tri đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục có các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương” - ông Nhân nói.
Cũng theo ông Nhân, cử tri cũng đề nghị Chính phủ tăng cường giám sát, buộc Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết. Đồng thời làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng quản lý trong vụ việc này.
Quang cảnh lễ khai mạc kỳ họp. Ảnh: TTXVN
Lựa chọn người xứng đáng vào bộ máy
Theo chương trình chính thức kỳ họp thứ nhất được Quốc hội thông qua vào sáng 20-7, kỳ họp này sẽ dành phần lớn thời gian (6/8 ngày làm việc) để xem xét quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, tòa án, viện kiểm sát.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành bầu hoặc phê chuẩn các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021. Đây là một nhiệm vụ rất hệ trọng, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của các vị đại biểu Quốc hội”.
Theo Tổng Bí thư, việc tổ chức, quyết định nhân sự được thực hiện trên cơ sở quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác cán bộ do Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra. Đồng thời, căn cứ vào tình hình đội ngũ cán bộ hiện có và yêu cầu thực tế về cơ cấu tổ chức, nhân sự; tiêu chuẩn chung của cán bộ, chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển...
Tổng Bí thư cũng kiến nghị Quốc hội khóa mới quan tâm thực hiện năm định hướng lớn gồm: Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; về các dự án đầu tư quan trọng; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Quốc hội; đổi mới về tổ chức, phương thức hoạt động và chế độ làm việc của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Tổng Bí thư bày tỏ mong muốn: Các đại biểu phải thực hiện tốt chương trình hành động, thường xuyên liên hệ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri, đóng góp công sức, trí tuệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
“Các đại biểu cần nêu cao phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; gương mẫu học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ và năng lực công tác, nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực khác”.
Sáng 20-7, trình bày báo cáo kết quả xác nhận tư cách của đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay chỉ có 494 người trúng cử đủ tư cách trở thành đại biểu Quốc hội khóa XIV. Còn hai người trúng cử khác (ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường) đã bị bác tư cách đại biểu Quốc hội vì có vi phạm. Báo cáo tóm tắt tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: Có hơn 67 triệu cử tri đã tham gia bỏ phiếu, đạt 99,35%. Cuộc bầu cử đã diễn ra thành công tốt đẹp, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm. |