Liên quan đến thông tin chín người bỏ trốn để ở lại Hàn Quốc sau sự kiện Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Hàn Quốc hồi tháng 12-2018, trao đổi với Pháp Luật TP.HCMngày 25-9, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết như sau:
Khi đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội thăm Hàn Quốc hồi tháng 12-2018 thì lúc đó Bộ KH&ĐT, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc có tổ chức Diễn đàn Đầu tư và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc. Ban tổ chức diễn đàn này có mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự và phát biểu ý kiến.
Theo ông Phúc, Bộ KH&ĐT tổ chức diễn đàn này và mời các doanh nghiệp tham dự. Họ thuê một công ty lữ hành lo ăn ở và đồng thời đề nghị cho đoàn này đi nhờ chuyên cơ chở chủ tịch Quốc hội và được đồng ý.
Khi kết thúc chuyến công tác, lúc gần đến giờ chuyên cơ cất cánh thì phát hiện ra thiếu chín người. Vì đến giờ bay nên chuyên cơ phải cất cánh về lại Việt Nam. Trước khi về thì các cơ quan chức năng được yêu cầu tìm cách đưa chín người còn thiếu về nước.
Hiện mới có hai người về Việt Nam. Các cơ quan chức năng tiếp tục chỉ đạo tìm cách đưa bảy người còn lại về nước.
Một nguồn tin cũng cho biết kể từ khi xảy ra vụ việc, được biết các cơ quan liên quan cũng đã họp rút kinh nghiệm nhiều lần.
Cùng ngày 25-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng xác nhận có việc này và cho hay sau sự việc trên, Bộ KH&ĐT đã rút kinh nghiệm với các cá nhân, đơn vị tham gia tổ chức Diễn đàn Đầu tư và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc. Theo đó, thành phần doanh nghiệp đi theo các đoàn công tác nước ngoài được siết chặt hơn. Các doanh nghiệp phải có thâm niên hoạt động từ ba năm trở lên và có tên trong hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia mới được tham dự.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tham dự các đoàn công tác này phải là người đại diện theo pháp luật, chứ không phải là các chức danh hay vị trí khác của doanh nghiệp.