Tốt nghiệp đại học, về quê nuôi bò

Ở xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư (Thái Bình) không ai không biết trang trại của bốn chàng trai trẻ. Đường đê lấn bấn những hố nước sau một cơn mưa nặng hạt, cả xe và người chao liệng mấy chục phút mới đến được cổng trại. Trại bò hiện ra giữa màu xanh của cánh đồng ngô vừa trổ cờ.

Trại bò… bốn chàng trai

Bạn Vũ Mạnh Tường, một trong những chủ nhân của trại bò, đón tôi ngoài cổng với trang phục của một người nông dân thực thụ. Phía trong, Đỗ Quốc Huy và Đặng Xuân Phi đang lúi cúi chăm bẵm đàn bò đến giờ đói ăn.

“Giang sơn của bọn tớ đấy, chừng 2,5 ha” - Tường giới thiệu. Trong đó, đáng kể nhất là chuồng bò, có lúc nuôi được cả trăm con, tiếp đến là căn nhà ngói làm nơi sinh hoạt cho bốn người, còn lại là bạt ngàn cây cỏ. Chỉ hai người bạn ngồi cạnh, Tường giới thiệu: “Đây là Phi, cựu sinh viên ĐH GTVT, đây là Huy đã lấy bằng ĐH Công nghiệp. Tôi là dân Bách khoa, ngoài ra còn một ông ĐH Xây dựng đang đi kết nối với mấy đối tác mới”.

Trại bò của bốn cử nhân, kỹ sư chính thức đi vào hoạt động năm 2012 nhưng trước đó mấy năm ý tưởng về sự ra đời của mô hình này đã sục sôi trong đầu mỗi người.

Lúc đó, Tường làm cho một công ty chuyên về máy văn phòng ở TP.HCM với mức lương 7-8 triệu đồng/tháng, Huy là nhân viên showroom ô tô ở Hà Nội, Tín làm xây dựng, còn Phi cũng đang có công việc ổn định đúng chuyên ngành ở Lào Cai… Trong lần về nghỉ tết, bốn cái đầu cùng chụm lại, tất cả cùng một ý nghĩ: Phải làm gì đó đột phá cho bản thân! “Lúc đó ý tưởng cũng chưa rõ là gì nhưng đại loại là tập trung được anh em, có hiệu quả kinh tế, ít rủi ro…” - Tường nói.

Hết tết, trở về công việc riêng, ai cũng lặng lẽ tìm kiếm thông tin, tham khảo các mô hình phù hợp với ý tưởng của cả nhóm. Họ có nghĩ đến chuyện mở xưởng dệt và vài dự án khác nhưng tính toán lợi hại các kiểu, nhóm đã thống nhất nuôi bò vì ít rủi ro, thu hồi vốn nhanh, chi phí thức ăn không nhiều.

Công đoạn thứ hai là lựa chọn mô hình. Ở TP.HCM, hễ rảnh là Tường đến các trại bò ở gần đó để tham khảo, tối thì lên mạng tìm kiếm thông tin. Trong khi đó ở Hà Nội, Tín cũng lang thang ở các trang trại bò từ Ba Vì đến Mộc Châu, ngược xuôi tìm vị trí lập nghiệp.

“Chuyện tìm mặt bằng cũng căng thẳng lắm, chúng tôi lên cả những vùng xa ở khu vực miền núi phía Bắc, rồi lại ngược xuôi ở khắp các vùng ven Hà Nội…” - Tường kể. Để có được gần 2,5 ha đất này, cả nhóm đã phải thuê gom lại đất bãi bồi ven đê của khoảng 200 hộ dân mới được địa phương phân bổ. Có mặt bằng, số tiền kiếm được từ những năm tháng vật lộn ở phố thị được tất cả dốc sạch vào xây dựng trang trại.

Bàn tay của những chàng trai vốn đã quen với bàn phím và bút giấy bắt đầu phải chạm vào những công cụ lao động của người nông dân. Bên bờ đê lộng gió, giữa bạt ngàn cỏ cây và cách xa khu dân cư, những viên gạch đầu tiên của trại bò vẫn được người dân quen gọi vui là “Trại bò bốn chàng trai” đã bắt đầu thành hình.

Vũ Mạnh Tường với công việc hằng ngày của mình. Ảnh: V.THỊNH

Đàn bò Úc của các chàng kỹ sư, cử nhân. Ảnh: V.THỊNH

Giá của sự vất vả

Câu hỏi đặt ra trang trại của những người có bằng đại học thì khác gì với trang trại của những nông dân khác? Đáp lại, các chàng trai quả quyết: “Cứ đi rồi biết!”.

Liên tiếp chỉ tay vào những máy móc nằm la liệt xung quanh như máy cuốn rơm, máy làm đất, phay cỏ… Tường giải thích: “Chúng tôi đã bàn bạc, lên kế hoạch với nhau rất kỹ từ mô hình đến hệ thống chuồng trại… Hiện nay, không chỉ ở Thái Bình mà cả khu vực miền Bắc, hiếm có mô hình nuôi bò nào hoàn thiện như ở đây, nhiều nơi đã về đây tham quan. Đó chính là sự khác biệt”.

Đến giờ cho bò ăn, Phi mặc lên người bộ đồ xanh quen thuộc của dân lao động, thoăn thoắt dọn đổ những cùi cỏ còn dư lại của ngày hôm trước, thay cỏ mới vào. Họ thạo việc cứ như một cỗ máy đã được lập trình, có lúc như quên luôn sự có mặt của khách lạ.

Hết buổi làm cũng là lúc trời nhập nhoạng tối, cánh đồng sau cơn mưa ồn ào tiếng ếch nhái. “Những ngày bỏ phố mới về đây, tôi nghĩ mình không trụ được, thế mà giờ cũng quen” - Huy nói. Ngồi cạnh, Phi cũng chêm vào: “Buồn nhất là buổi tối, chỉ nghe gió thổi với côn trùng kêu, ở đồng bằng mà cứ như mình ở miền núi cao xa lắm vì ngoài trẻ chăn trâu ra thì cũng ít khi gặp người làng”.

Bốn chàng trai tuổi đời chưa đến 30, trong một căn nhà đơn lẻ giữa bạt ngàn cây cỏ, thoảng lắm có việc gì mới theo triền đê ra trung tâm, thụ hưởng không khí của chốn đông người. Tường chùng giọng: “Nhiều lúc cũng nhớ cảnh phố phường ngày xưa, thời ấy công việc chỉ ngồi phòng lạnh, nhàn hạ, đến tháng lãnh lương… giờ thì chân lấm tay bùn… nhưng cuộc sống cái gì cũng có cái giá của nó cả”.

Phi kể thêm lúc bấy giờ để thuyết phục được cha mẹ về quyết định ngược đời của mình quả là không dễ. “Bố mẹ nào chẳng muốn con cái học hành rồi đi làm ở nơi này nơi nọ chứ ai lại muốn mình cầm bằng cấp xong về quê lao động như nông dân. Nhưng mình lớn rồi, mình chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân” - Phi nói.

Quyết định của Huy cũng gặp sự phản ứng của người thân. “Không phải là bất ngờ mà sốc ấy chứ, tự nhiên lại bỏ phố về nơi heo hút này lầm lụi với mấy con bò” - Huy vừa nói vừa cười hiền.

Sống cô lập với thế giới bên ngoài, công việc hằng ngày của họ là thay nhau vệ sinh chuồng trại, kiểm tra sức khỏe đàn bò, cắt bằng tay khoảng 1,5 tấn cỏ…

Hiện tại trang trại đang nuôi giống bò Brahman và Broumaster thuần chủng Úc để cung cấp cho thị trường. Tường tiết lộ lứa đầu tiên trại xuất 20 con, trung bình mỗi con trị giá 40 triệu đồng, thu về 800 triệu đồng.

Đêm, đứng trên đê nhìn xuống, căn nhà của bốn chàng trai đã bắt đầu sáng đèn. Ánh sáng duy nhất giữa cánh đồng rộng ngút tầm mắt, cách đó mấy kilomet làng xóm cũng đã lên đèn, rực rỡ, đông vui…

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm