Sang Campuchia, bay Ấn Độ, chuyển Trung Quốc

​Nghe bạn, Xuân đi Ấn Độ “xách quần áo, giày dép hàng hiệu”, trốn mẹ chuyển hàng qua Trung Quốc và phải từ giã giảng đường, đối diện án tử.

Thẻ sinh viên của Xuân giờ là kỷ niệm đẫm nước mắt của mẹ Xuân - Ảnh: G.Minh

Cùng đi với Xuân theo tuyến đường Việt Nam - Campuchia - Ấn Độ còn có nhiều sinh viên là bạn học với Xuân.

Cả anh trai Xuân - Huỳnh Ngọc Minh Sang (31 tuổi, ngụ TP.HCM) - cũng từng cùng em trai trải nghiệm chuyến đi mà suốt những năm tháng tiếp theo của cuộc đời cả gia đình anh phải day dứt.

80 USD/ngày đi xách quần áo

Bà Trang Thị Ngọc Điệp (58 tuổi, mẹ của Xuân, Sang) kể: “Năm 2010, lúc này ba tôi bệnh nặng ở Trà Vinh, tôi phải về chăm. Gia đình kinh tế khó khăn, trông chờ cả vào việc bán nước đóng bình tại nhà, mỗi tuần Xuân đi học tôi chỉ cho được 150.000 đồng cả tiền ăn và tiền đổ xăng xe. Nó thương mẹ lắm, từ nhỏ tới lớn năm nào cũng có giấy khen học sinh giỏi, chỉ vài học kỳ tiên tiến. Vào đại học là đi tìm việc làm cả ngày lẫn đêm ngoài giờ tới trường để khỏi phải xin tiền mẹ, mọi việc cũng bắt đầu từ đó mà ra...”.

Theo lời kể của Sang, trong những ngày đi làm bảo vệ, nhân viên trông giữ xe bán thời gian, Xuân gặp lại một bạn học chung thời học cấp II tên Vũ. Nhiều lần Vũ rủ Xuân đi uống cà phê, lần nào đi cũng gặp vài cô người mẫu, diễn viên đi chung với Vũ.

Biết Xuân đang tìm việc làm thêm, Vũ nói: “Mình biết bà Minh chuyên thuê người đi vận chuyển quần áo, giày dép cho các diễn viên, người mẫu, làm vậy kiếm được khá lắm!”.

Vũ nói nếu muốn đi làm, Vũ có thể giới thiệu để bà Minh làm giấy tờ cho Xuân. Mọi giấy tờ, vé máy bay, ăn ở bà Minh lo, mỗi ngày Xuân sẽ được nhận 80USD.

Xuân nhờ Vũ giới thiệu, háo hức chờ được đi nước ngoài lần đầu tiên với số thù lao trong mơ. Chuyến đi đầu tiên kéo dài khoảng một tuần, về tới Việt Nam giao xong chiếc vali cho bà Minh, Xuân nhận được hơn 200USD tiền công. “Tôi cũng thắc mắc, nghi ngờ dữ lắm. Nếu chỉ xách quần áo, giày dép sao phải đi xa thế, lại phải trả nhiều tiền thế. Nhưng tôi hỏi thì Xuân nói: “Em kiểm tra hết rồi, tháo cả vali, nghiêng lắc các kiểu mà không thấy gì”. Nó còn đưa cả hình chụp chiếc vali mà bà Minh và những người ở Ấn Độ đưa để mang về Việt Nam và tôi xem thấy không có gì bất thường”.

Sau chuyến đi của em trai, dù còn nhiều hoài nghi, khó hiểu nhưng anh Sang cũng muốn đi một lần cho biết. Anh nói: “Tôi quyết định đi, gặp bà Minh nói chuyện. Gọi là bà nhưng Minh chỉ hơn 30 tuổi, trán cao, mũi lớn, môi dày và đôi mắt sắc, khá lạnh lùng. Minh nói qua tới Ấn Độ, xuống sân bay gọi taxi, đưa địa chỉ khách sạn cho tài xế taxi họ sẽ đưa tới. Ở đó sẽ có người liên lạc và giao quần áo, giày dép cho cầm về, không phải lo nghĩ gì”.

Chuyến đi kỳ lạ

Anh Sang nhớ lại khoảng đầu năm 2010, anh giao hộ chiếu cho bà Minh. Ít ngày sau thì có thị thực do Tổng lãnh sự quán Ấn Độ cấp. Sang cùng một người tên Vũ đang là sinh viên và do chính Vũ, bạn của Xuân, giới thiệu đi đường bộ qua Campuchia để lên máy bay đi Ấn Độ.

Sang Campuchia, bay Ấn Độ, chuyển Trung Quốc ảnh 2

Bà Điệp, mẹ của Xuân, vẫn đang mong chờ một phép mầu để Xuân có thể sớm trở về - Ảnh: G.Minh

Chuyến đi phải dừng chân một đêm ở sân bay Chennai, tới New Delhi gọi taxi về khách sạn mà bà Minh đưa địa chỉ.

Ở đó được một ngày thì hai người châu Phi có tên Kevin và Kent tới gặp Sang và Vũ. Ngay khi tới khách sạn, Kevin yêu cầu cả hai giao hộ chiếu cho Kevin giữ, rồi hai người bị điều đi hai nơi khác nhau, không còn liên lạc được nữa.

“Tại một phòng trọ khác, nơi tôi phải ở một mình, Kevin đưa cho tôi một thùng đồ ăn đông lạnh, trong đó chủ yếu là thịt gà chiên sẵn để ăn trong phòng. Suốt ba ngày tiếp theo, tôi chỉ ăn và đi lại quanh quẩn trong khu vực vì tôi không biết tiếng Anh, cũng không có trong tay hộ chiếu và luôn cảm giác đang bị theo dõi, giám sát nên không dám ra ngoài. Cũng chỉ có thể đi lại trong phòng, vì lớp cửa ngoài đã bị khóa ngay sau khi Kevin ra khỏi”.

“Ngày thứ tư Kevin trở lại, mang theo một chiếc vali để tôi chuyển cho bà Minh. Khi tới khách sạn, bằng ngôn ngữ tay chân, Kevin thể hiện trong vali không có gì, mở hết các lớp, bỏ quần áo, giày dép vào và yêu cầu tôi bỏ quần áo, tư trang của tôi vào chiếc vali đó. Kevin đi rồi, tôi bắt đầu hồi hộp, lo lắng, mở hết vali kiểm tra lại nhưng không thấy gì bất thường. Tôi yên tâm hơn, ba ngày tiếp theo tôi vẫn ở khách sạn, phát hiện rất nhiều balô, túi xách, vali còn bảng tên của người Việt Nam bị bỏ lại đây”, anh Sang chia sẻ.

Cuối cùng, Kevin tới đưa Sang ra sân bay bằng taxi, nhưng gần tới sân bay thì anh ta xuống, giải thích với anh Sang là do thị thực của anh ta hết hạn, nếu vào sân bay bị kiểm tra sẽ phiền phức.

Theo lời anh Sang, trên đường trở về, tại sân bay Bangkok, có cả chó nghiệp vụ kiểm tra vali của anh nhưng không phát hiện gì bất thường. Về tới Campuchia, liên lạc với bà Minh thì được yêu cầu mang vali về giao tại khu vực đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM), mang qua biên giới Việt Nam cũng bị kiểm tra nhưng không phát hiện điều gì bất thường.

Anh Sang kể tiếp: “Tôi giao vali cho bà Minh, bà ấy mở ra kiểm tra trước mặt tôi và nói: “Do chuyến này hàng không có nhiều, được lời ít nên chị trả 10 triệu đồng, lần sau em đi chị sẽ trả nhiều hơn!”.

“Cả gia đình tôi thấy bất an khi nghe tôi kể chuyện, mẹ tôi cấm hai anh em liên lạc, làm việc cho bà Minh. Nhiều lần bà Minh gọi tới nhà, mẹ tôi đều nói chúng tôi đi vắng, không cho gặp. Bữa đó bả cũng gọi, mẹ tôi từ chối nhưng sau thấy Xuân nói chuyện điện thoại di động, giọng nhỏ nhỏ như đang giấu chuyện gì. Mẹ và anh trai tôi hỏi thì nó nói không có gì, sau đó ít phút phát hiện nó đã đi ra ngoài."

"Mẹ tôi gọi điện hỏi đi đâu, Xuân trả lời: “Chị Minh còn thiếu con mấy trăm ngàn, nói đi nốt chuyến này chị trả công một lượt. Mẹ la con, không cho con đi nước ngoài con không dám đi, con chỉ chuyển cho chị ấy từ TP.HCM đi Quảng Ninh thôi”. Mẹ tôi khóc lóc, dỗ dành, dọa nạt nói nó về nhưng nó không chịu, sau đó nó tắt điện thoại luôn”, anh Sang kể lại.

Bà Điệp nước mắt vòng quanh nhớ lại: “Nó nói chỉ đi lần cuối cùng, toàn quần áo thời trang, có bị bắt thì chị ấy mất tiền chứ mình đâu có sao mà mẹ lo. Nó còn định nếu đi tới đó sớm nó sẽ đi xe đò hoặc tàu hỏa về, tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng để đóng học phí, vậy mà giờ nó đi luôn không về”.

Xuân đã bị bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh bắt khi đang vận chuyển chiếc vali với số lượng 2,5kg heroin, bị tuyên án tử hình nhưng sau đó được Chủ tịch nước ân xá, giảm xuống án tù chung thân.

Theo lời anh Sang, chiếc vali Xuân vận chuyển bị bắt là do Vũ - người đi chung với anh trong lần đầu đi Ấn Độ - đưa về Việt Nam.

Sau khi Xuân bị bắt, bà Điệp và gia đình liên tục đi tìm Minh - người đưa Xuân vào con đường tội lỗi - với hi vọng sẽ làm rõ chân tướng, giảm nhẹ được hình phạt cho Xuân. Biết được tên thật của Minh là Nguyễn Thị Ngọc Đan, có cả hình ảnh nộp cho PC47, Công an TP với hi vọng tìm được Đan nhưng không thành công.

Theo GIA MINH (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm