Người “chắp cánh” cho cá ngừ sang Nhật

Mới đây, khi thông tin lần đầu tiên cá ngừ đại dương Việt Nam bán đấu giá thành công tại TP Osaka (Nhật) loan báo về Việt Nam, nhiều ngư dân ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) hồ hởi nói: “Vậy là ông chủ tịch tỉnh đã làm được những điều mà trước đây dân không tin có thể làm được!”. Nhiều ngư dân thầm cảm ơn ông chủ tịch tỉnh song ít ai biết rằng để có được thành công bước đầu này, ông Lê Hữu Lộc đã có một hành trình hơn một năm rưỡi để “chắp cánh” cho cá ngừ bay sang sàn đấu giá của Nhật.

Chủ tịch tỉnh mang cá đi tiếp thị

Từ cuối năm 2012, ông Lê Hữu Lộc cùng đoàn cán bộ tỉnh Bình Định bắt đầu thực hiện những chuyến sang Nhật trực tiếp mời gọi đầu tư. Ông kể: “Trong chuyến xúc tiến đầu tư đầu tiên, chúng tôi vẫn còn làm theo kiểu cũ là giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Tôi nhận ra là làm như vậy không hiệu quả bởi người Nhật không thích nói chung chung, họ cần những điều cụ thể. Bấy giờ, tôi nghĩ ngay đến việc thuyết phục người Nhật đầu tư vào ngành thủy sản của mình”. Bằng mối quan hệ cá nhân, ông Lộc nhờ một số bà con người Việt đang sinh sống, kinh doanh tại Nhật tìm hiểu, cung cấp thông tin về các công ty thủy sản của Nhật.

 Đầu năm 2013, khi qua lại Nhật, ông Lộc đến làm việc ngay với một số công ty chế biến, kinh doanh thủy sản của Nhật. “Khi ăn cơm, họ đãi đoàn Bình Định món cá ngừ ăn sống với mù tạt. Thấy vậy, tôi mừng quá, nói ngay với họ là ngư dân tỉnh tôi đánh bắt được rất nhiều cá ngừ. Khi nghe họ hỏi “sao không xuất khẩu qua Nhật?”, tôi nghĩ là mình đã tìm được hướng đi rồi” - ông Lộc nhớ lại.

Về nước, ông Lộc gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nhưng hầu hết đều lắc đầu, cho rằng thị trường Nhật đòi hỏi chất lượng rất nghiệt ngã, cá ngừ Việt Nam không đáp ứng được. Sau đó, thông qua sự hỗ trợ của Hội Hữu nghị Việt-Nhật TP Sakai (Nhật), ông Lộc nhờ các doanh nghiệp Nhật giúp nâng cao chất lượng cá ngừ cho ngư dân Bình Định. Các doanh nghiệp Nhật cũng lắc đầu vì cho rằng chất lượng cá ngừ Việt Nam quá kém.

Sau khi ông Lộc thuyết phục, Công ty Kato Hitoshi General Office (TP Osaka, Nhật) đề nghị quay phim cảnh ngư dân Bình Định câu cá ngừ và gửi cho họ xem. “Xem xong, các doanh nghiệp Nhật đều nói rằng kiểu đánh bắt của ngư dân Việt Nam không đạt yêu cầu. Họ đề nghị mình chọn bốn con cá ngừ tốt nhất đưa sang Nhật bằng máy bay để họ tìm hiểu thêm” - ông Lộc cho biết. Lần đó, ông chủ tịch tỉnh sang Nhật trên chuyến bay chở bốn con cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định đánh bắt. Đáp lại sự hăm hở, hy vọng của đoàn công tác tỉnh Bình Định, các chuyên gia thủy sản Nhật thẳng thừng chê hết cả bốn con cá ngừ vừa mang sang; nếu du di thì họ chỉ có thể chọn tạm một con để đông lạnh. Để chứng minh, các chuyên gia thủy sản Nhật đặt một con cá ngừ do ngư dân nước họ đánh bắt bên cạnh con cá ngừ Việt Nam. Trong khi màu cá của họ tươi rói thì cá ngừ Việt Nam có màu bầm, xấu. “Nghe họ nhận xét, tôi càng nóng lòng muốn tìm hiểu vì sao chất lượng cá của họ tốt như vậy, để qua đó làm rõ nguyên nhân căn cơ khiến chất lượng cá ngừ mình thấp. Do đó, tôi đề nghị các chuyên gia thủy sản Nhật cho tôi ra biển xem ngư dân của họ đánh bắt” - ông Lộc nói.

Các chuyên gia thủy sản Nhật kiểm tra chất lượng cá ngừ của ngư dân Bình Định trước khi vận chuyển bằng máy bay sang Nhật bán đấu giá. Ảnh: TẤN LỘC 

Ra biển xem ngư dân Nhật câu cá ngừ

Nhiều doanh nhân, chuyên gia thủy sản Nhật hết sức ngạc nhiên khi nghe một ông chủ tịch tỉnh của Việt Nam muốn ra biển xem đánh bắt cá ngừ. Thấy ông Lộc quyết tâm như vậy, phía Nhật nhanh chóng thu xếp cho ông đi tàu cao tốc ra biển rồi lên tàu đánh cá của ngư dân. Ngư trường của Nhật gần nên chỉ sau vài tiếng đồng hồ đi tàu cao tốc, ông Lộc cùng đoàn công tác tỉnh Bình Định đã tận mắt chứng kiến cảnh ngư dân Nhật câu cá ngừ giữa biển khơi. Vừa xem ngư dân đánh bắt, ông Lộc được các chuyên gia thủy sản Nhật phân tích cặn kẽ những ưu điểm của bộ thiết bị câu cá ngừ, kỹ thuật thu cá lên tàu để hạn chế làm hỏng cá, cách sơ chế, bảo quản tại tàu…

“Tôi xem mà mê quá! Ngư dân của họ có máy móc hiện đại, được hướng dẫn kỹ thuật tốt nên đánh bắt cá ngừ mà khỏe re, không tốn sức gì cả. Nghĩ mà thương ngư dân mình quá! Tôi liền đề nghị họ bán cho năm bộ thiết bị để làm thí điểm, đồng thời giúp chuyển giao kỹ thuật cho ngư dân Bình Định, họ đồng ý ngay” - ông Lộc chia sẻ. Cũng trong chuyến đi đó, ông Lộc đã trực tiếp đến tìm hiểu tại các trung tâm đấu giá, chợ thủy sản của Nhật; vào các nhà máy xem họ bảo quản, chế biến cá ngừ… Ông Lộc cũng nhờ Hội Hữu nghị Việt-Nhật TP Sakai làm đầu mối kết nối các doanh nghiệp Nhật để xúc tiến việc đưa cá ngừ Việt Nam sang các trung tâm đấu giá, chợ thủy sản của Nhật.

Ngay sau chuyến công tác đó, bốn cán bộ kỹ thuật thủy sản của Bình Định đã sang Nhật học hỏi kỹ thuật đánh bắt, công nghệ bảo quản rồi về tập huấn cho ngư dân.

Thuyết phục chính ngư dân mình

“Thuyết phục các doanh nghiệp Nhật để họ giúp đỡ mình đã khó, thuyết phục bà con ngư dân mình từ bỏ cách đánh bắt truyền thống để câu cá kiểu Nhật càng khó hơn” - ông Lộc nói. Ông Lộc trực tiếp đến xã Tam Quan Bắc nói chuyện với bà con ngư dân, thuyết phục họ tham gia mô hình. Khi nghe ông chủ tịch tỉnh nói đánh bắt theo kiểu mới, tối đa chỉ 10 ngày các tàu phải quay về đất liền để đảm bảo chất lượng cá, nhiều ngư dân cười ồ, nói “ông chủ tịch không biết gì cá mắm” vì lâu nay mỗi chuyến đánh bắt phải kéo dài cả tháng. Sau khi vận động được năm chủ tàu cá ở xã Tam Quan Bắc tham gia, tỉnh Bình Định chi 1,5 tỉ đồng mua năm bộ thiết bị câu cá ngừ về hỗ trợ lắp đặt, đồng thời chi 150 triệu đồng để cải tạo hầm bảo quản cá cho các tàu này. UBND tỉnh Bình Định đã mời các chuyên gia thủy sản Nhật sang trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật đánh bắt, bảo quản mới cho ngư dân.

Một phần việc quan trọng khác là vận động doanh nghiệp tham gia mô hình. Sau nhiều cuộc làm việc, Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifsco) đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng của năm tàu cá trên với giá cao hơn 20% so với giá thị trường trong nước. Để bảo đảm tính bền vững, lâu dài cũng như các ràng buộc về pháp lý, sau nhiều cuộc đàm phán với sự chủ trì của UBND tỉnh Bình Định, Bidifisco đã ký hợp đồng với Công ty Kato Office. Hợp đồng này đã chính thức mở đường cho cá ngừ đại dương Bình Định sang Nhật.

Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết từ kết quả ban đầu trên, hiện tỉnh đang làm việc với ngân hàng về nguồn vốn, đồng thời cùng Công ty Yanmar (Nhật) xúc tiến việc đóng tàu công suất lớn cho ngư dân; trong đó có tàu dịch vụ hậu cần để khép kín quy trình khai khác. Đây cũng là bước mở rộng mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh cá ngừ theo chuỗi mà tỉnh Bình Định đang quyết tâm thực hiện. “Người Nhật làm việc gì cũng hết sức chu đáo và minh bạch. Khi hợp tác làm ăn với họ, mình chân thành và hết sức trách nhiệm thì họ cũng hết lòng và rất chung thủy với mình. Với ngư dân, mình phải công khai mọi thứ rồi đưa ra một giá mua cá hợp lý trước khi họ lên tàu đánh bắt thì bà con mới tin tưởng, hưởng ứng. Chính mô hình thực tiễn có lợi có ngư dân sẽ thuyết phục, kích thích bà con” - ông Lê Hữu Lộc đúc kết.

TẤN LỘC

Chúng tôi rất cảm kích và trân trọng đối với lòng nhiệt thành, sự tâm huyết của ông Chủ tịch tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc. Đó cũng là một trong những điều đã thuyết phục chúng tôi đến Bình Định để hợp tác làm ăn. Nguyên tắc của hợp tác là hai bên cùng có lợi, song điều quan trọng là thái độ trách nhiệm, lòng chân thành thì sự hợp tác sẽ bền vững. Với bước khởi đầu thành công của mô hình hợp tác này, chúng tôi kỳ vọng đưa cá ngừ đại dương Bình Định thành một thương hiệu tại thị trường Nhật.

Ông HITOSHI KATO, Chủ tịch HĐQT Công ty Kato Office
Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt-Nhật TP Sakai

Lúc đầu khi nghe ông Lộc giới thiệu đánh bắt kiểu Nhật, bà con rất phân vân vì đặc điểm ngư trường mỗi nước một khác. Mặt khác, khi nghe nói hợp tác với doanh nghiệp thu mua, bà con ngư dân chưa tin lắm vì lâu nay không mấy nơi thành công. Đến khi ông Lộc đưa ra các cam kết cụ thể và hỗ trợ thiết bị, máy móc, chúng tôi rất yên tâm. Chỉ sau hai chuyến đánh bắt, chúng tôi đã thành thục trong vận hành bộ thiết bị câu cá, cách bảo quản của Nhật. Chỉ cần nhìn mắt thường cũng thấy chất lượng cá sản phẩm khai thác được cao hơn trước rất nhiều. Hiện nay đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý, bà con càng phấn khởi hơn.

Ông LA TÌNH, chủ của hai tàu cá BĐ 95648 TS, BĐ 96225 TS, ở xã Tam Quan Bắc tham gia đội tàu đánh bắt
theo công nghệ Nhật

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm