TP Thủ Đức sẽ trồng 1 triệu cây xanh

(PLO)- Hưởng ứng chương trình trồng cây xanh của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, TP Thủ Đức phấn đấu hoàn thành 1 triệu cây xanh vào năm 2025 và thực hiện Đề án “Vườn cây quà tặng”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-5, tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, UBND TP Thủ Đức, TP.HCM tổ chức phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh nhật của Người (19-5-1890 – 19-5-2023).

Tham dự lễ trồng cây có các nguyên lãnh đạo Trung ương và TP. Về phía TP.HCM có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh...

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tham gia trồng cây hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Ảnh: DQ

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tham gia trồng cây hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Ảnh: DQ

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nhấn mạnh, thực hiện lời dạy của Bác, TP Thủ Đức luôn xác định việc trồng cây xanh là việc làm quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên... Việc này cũng gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của TP không chỉ cho hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau.

TP Thủ Đức phấn đấu hoàn thành 1 triệu cây xanh trên địa bàn vào năm 2025 và thực hiện Đề án “Vườn cây quà tặng”.

Theo đó, UBND TP Thủ Đức phối hợp Ban Quản lý Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc trồng cây tại ba khu vực quy hoạch. Đó là, khu vườn cây hữu nghị, khu vườn hoa nhiệt đới, khu bảo tàng lịch sử tự nhiên với quy mô gần 40ha.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trồng cây tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc. Ảnh: DQ

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trồng cây tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc. Ảnh: DQ

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, việc lựa chọn Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc làm nơi trồng cây có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là nơi tôn vinh các giá trị tốt đẹp về lịch sử - văn hóa của dân tộc. Nhắc nhở các thế hệ ghi nhớ công ơn các bậc tiền nhân, ghi nhớ truyền thống dân tộc, ghi nhớ lời dặn của Bác.

TP Thủ Đức đã vận động cá nhân, hộ gia đình tham gia trồng cây trên tinh thần “Mỗi người tham gia trồng cây xanh để chung tay bảo vệ môi trường”. Mỗi tổ chức, cá nhân hãy tham gia xây dựng “Mô hình vườn cây quà tặng” tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc.

“Việc làm này sẽ phát huy hiệu quả kép đối với Đền tưởng niệm các Vua Hùng, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc khi tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được vận hành.

Qua đó, đóng góp cho hệ thống cây xanh đô thị. Tiến tới việc trồng cây xanh trở thành nét đẹp văn hóa, bảo vệ môi trường, làm quà tặng, lưu giữ những kỷ niệm. Góp phần thực hiện mục tiêu Đô thị xanh bên dòng sông Đồng Nai, Sài Gòn”- ông Tùng nhấn mạnh.

Các lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm sau buổi trồng cây tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc. Ảnh: DQ

Các lãnh đạo chụp ảnh lưu niệm sau buổi trồng cây tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc. Ảnh: DQ

Dịp này, Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc được trồng thêm khoảng 260 cây xanh từ ba năm tuổi trở lên, trong đó có nhiều hệ cây quý như lim xanh, sao đen.

TP Thủ Đức phấn đấu đến năm 2025 (nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước) sẽ hoàn thành 40ha vườn cây trong Công viên lịch sử - Văn hóa Dân tộc theo phương thức xã hội hóa.

Cùng ngày, Đoàn đại biểu Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cũng đã tổ chức trồng cây hưởng ứng Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc.

Đoàn đại biểu Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM trồng cây tại công viên. Ảnh: VÕ THƠ.

Đoàn đại biểu Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM trồng cây tại công viên. Ảnh: VÕ THƠ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM Đinh Thị Phương Thảo, cho biết hưởng ứng phát động của lãnh đạo TP, Uỷ ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM hàng năm đều tổ chức chương trình cùng với kiều bào, thân nhân kiều bào và những người làm công tác kiều bào cùng tham gia trồng cây, bảo vệ môi trường.

“Năm ngoái Đoàn đã trồng cây tại rừng phòng hộ Cần Giờ, năm nay Đoàn tiếp tục trồng 200 cây giáng hương tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc. Đặc biệt, kinh phí trồng cây đều do tấm lòng của các cá nhân tự nguyện đóng góp”-Bà Thảo nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm