TP.HCM: 20 dự án nhà ở quy mô lớn lo 'tắc' pháp lý vì không có đất ở

(PLO)- Khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sẽ có khoảng 15% dự án trong tổng số các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đang có đất khác không phải là đất ở gặp vướng mắc.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có báo cáo khái quát thực trạng quản lý đất đai tại TP.HCM và kiến nghị một số giải pháp. Trong đó, HoREA đề xuất tháo gỡ cho 20 dự án nhà ở thương mại đang gặp vướng mắc pháp lý vì đang có đất khác không phải là đất ở.

15% dự án nhà ở thương mại vướng vì có đất khác không phải đất ở

Theo HoREA, vào thời điểm Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực (1-7-2015), TP.HCM có 170 dự án nhà ở thương mại, trong đó có 44 dự án đã được công nhận chủ đầu tư. 126 dự án còn lại không có 100% đất ở không được công nhận chủ đầu tư do không đáp ứng điều kiện quy định tại Luật Nhà ở 2014. Trong các dự án này, hơn 100 dự án có đất ở và đất khác và hơn 20 dự án có đất khác không phải là đất ở.

Có khoảng 15% dự án trong tổng số các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đang có đất khác không phải là đất ở gặp vướng mắc. Ảnh minh họa: QH

Theo đánh giá của HoREA, nếu chỉ cho phép nhà đầu tư thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở (theo quy định tại Điều 127 Luật Đất đai 2024) thì không bao giờ nhà đầu tư đáp ứng được điều kiện đang có quyền sử dụng đất ở và đất khác (theo quy định tại Điều 127 Luật Đất đai 2024).

Trường hợp Quốc hội không thông qua Đề án Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất không phải là đất ở thì sẽ có khoảng 15% dự án bị vướng mắc.

Những dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đang có đất khác (không phải là đất ở) hầu hết có quy mô lớn hoặc rất lớn. Dù dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư do không đáp ứng quy định tại Điều 127 Luật Đất đai 2024.

Dẫn chứng trường hợp ở TP.HCM có khoảng 20 dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất khác, chiếm khoảng 15% tổng số dự án nhà ở thương mại trên địa bàn nên không được công nhận chủ đầu tư.

TP.HCM có khoảng 20 dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở. Ảnh minh họa: QH

Như trường hợp Công ty bất động sản V. mua đấu giá tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu tại Ngân hàng thương mại Q. Mảnh đất được mua là đất nhà xưởng tại quận Bình Tân, diện tích hơn 6 ha thuộc khu vực được quy hoạch phát triển nhà cao tầng.

Thế nhưng, điều oái oăm là Công ty V. thì không có nhu cầu đầu tư sản xuất công nghiệp, cũng không thể đầu tư sản xuất công nghiệp vì không phù hợp quy hoạch (mới) đã được phê duyệt. Mặt khác, công ty này cũng không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chung cư cao tầng do đang có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở theo hiện trạng sử dụng đất.

Đợi Quốc hội thông qua Nghị quyết

HoREA hoan nghênh Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng dự thảo Đề án thí điểm cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác. Quy định này rất cần thiết và có tính “kế thừa” các quy định hợp lý, phù hợp với pháp luật và thực tiễn.

Nút thắt pháp lý được tháo gỡ nếu Quốc hội thông qua Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất không phải là đất ở. Ảnh: QH

"HoREA kiến nghị Quốc Hội thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở.

Điều này để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, xử lý được vướng mắc của thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư" - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới