Kiến nghị gỡ nút thắt làm dự án phải có 100% đất ở

Đây là một vướng mắc nổi cộm tại buổi làm việc của lãnh đạo UBND TP với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cùng các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) ngày 23-1. 

Thiệt hại lớn cho DN

Theo quy định của Luật Nhà ở 2014, DN kinh doanh BĐS muốn được công nhận đầu tư dự án nhà ở thì phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp. Yêu cầu này khiến rất nhiều DN BĐS gặp khó khăn, vướng mắc và phải chịu nhiều thiệt hại.

Tại buổi làm việc với UBND, đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu quận 8 cho biết, DN này đang đầu tư dự án khu trung tâm thương mại, dịch vụ văn phòng và căn hộ tại số 175 Phạm Hùng, phường 4, quận 8. DN đã thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư tại Sở Xây dựng.

Tuy nhiên, hiện nay dự án đang vướng mắc bởi quy định nêu trên. “Vì những lý do khách quan do thay đổi chính sách nên chúng tôi phải chờ hướng dẫn của cơ quan nhà nước trong thời gian dài. Và cũng vì lý do đó mà chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất mặc dù đã rất nỗ lực thực hiện”, đại diện DN này nói.

DN kinh doanh BĐS muốn được công nhận đầu tư dự án nhà ở thì phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp. Ảnh minh hoạ: Quang Huy

Vị này cho biết, đây cũng là lý do khiến cho DN không thể triển khai dự án theo kế hoạch sử dụng đất đã đăng ký. Do đó, UBND quận 8 đã đề xuất Sở TNMT xóa dự án này, đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm giai đoạn 2015-2018 khiến DN rất thiệt thòi.

Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai cũng rơi vào trường hợp tương tự. Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty này cho biết, DN của bà có bảy dự án thì chỉ có một dự án có 100% là đất ở. Còn lại đều là đất nông nghiệp, đất chuyên dùng, nên nếu bắt buộc phải 100% đất ở theo bà Loan là rất khó cho DN.

TP.HCM kiến nghị Trung ương tháo gỡ

Tại buổi làm việc, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng đã trả lời vướng mắc của DN. Ông Tuấn thông tin, theo quy định của Luật Nhà ở với dự án đầu tư để xây dựng nhà ở thì phải thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư trước khi triển khai dự án.

Để được công nhận chủ đầu tư thì DN phải đáp ứng đủ bốn điều kiện: Một là phải có đất ở hợp pháp; Hai là đất phải phù hợp quy hoạch xây dựng; Ba là chủ đầu tư phải có chức năng kinh doanh BĐS và bốn là DN phải có năng lực tài chính.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP thay mặt DN báo cáo các vướng mắc. Ảnh: VH

Theo ông Tuấn, về điều kiện phải có 100% đất ở hợp pháp thì hiện nay chỉ có 25% dự án tại TP.HCM đáp ứng đủ điều kiện này. Còn lại 75% là từ đất nông nghiệp hoặc chuyên dùng.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, UBND TP đã hai lần có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vướng mắc này. Thủ tướng cũng đã giao cho Bộ Xây dựng cùng các bộ ngành có liên quan nghiên cứu. 

Mới đây, UBND TP đã có hướng đề xuất mới: Sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư thì có thể đề nghị xem xét cho phép thẩm định, phê duyệt quy hoạch 1/500. Thay vì theo quy định của Luật Quy hoạch thì có chủ đầu tư mới được trình và lập thủ tục phê duyệt quy hoạch 1/500.

Ông Tuấn cho rằng, sau khi dự án đã được duyệt quy hoạch 1/500, DN sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính và công nhận đất ở. Khi đã đủ điều kiện là đất ở thì công nhận chủ đầu tư theo quy định. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, hiện nay TP đang phải chờ ý kiến của Bộ ngành trung ương và Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng cho phép thì mới được làm.

Ông Tuấn nói, trong thời gian đang chờ vướng mắc như vậy, với những nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và đảm bảo các điều kiện khác theo quy định thì vẫn nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng. Sở sẽ tổng hợp báo cáo tổ chuyên gia thẩm định và trình UBND TP xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư.

Với các trường hợp chưa là đất ở thì nộp hồ sơ về Sở Kế hoạch – Đầu tư để Sở này thẩm định trình UBND TP quyết định chủ trương đầu tư. “Tuy nhiên, nếu không được Thủ tướng chấp thuận đề xuất nêu trên thì hồ sơ công nhận chủ đầu tư của dự án có của loại đất chuyên dùng, đất nông nghiệp cũng sẽ nằm lại”, Giám đốc Sở Xây dựng nói.  

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hội

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hộiLongform

(PLO)- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần nâng cao chất lượng công trình nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cho người dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước.

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

(PLO)- Giữa bối cảnh giá BĐS liên tiếp lập đỉnh chưa có dấu hiệu chững lại, lãi suất thấp kỷ lục, thị trường xuất hiện xu hướng dịch chuyển dòng tiền ra khỏi nhà băng để tìm đến các dự án trả góp dài hạn. Đây được xem là phương án tối ưu vừa bảo vệ giá trị tài sản trước nguy cơ mất giá – lạm phát, vừa nhanh chóng sở hữu nhà ở trước khi giá tăng quá cao.

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

(PLO)- Giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Thực tế, không ít dự án có mức tăng giá trên dưới 30% chỉ sau 1 năm.