Trong đó có tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất.
Theo số liệu của Cục Thuế TP.HCM, nguồn thu từ đất chiếm gần 12% tổng thu ngân sách thành TP năm 2017. Năm 2018, do sự sụt giảm quy mô thị trường BĐS TP đến 34% nên nguồn thu từ đất chỉ đạt 22.600 tỉ đồng, chỉ còn chiếm 9,3% tổng thu ngân sách. Riêng số thu tiền sử dụng đất đã giảm đến 22,5% so với năm 2017.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận định hiện nay vẫn còn nhiều nguồn thu từ đất đai bị “bỏ quên”, chưa được khai thác. Nhà nước chưa có chính sách, cơ chế để quy hoạch, khai thác hiệu quả không gian ngầm đô thị và nguồn thông tin cơ sở dữ liệu đất đai.
Ngoài ra, một số nguồn thu chưa được nhắm đến như thuế tài sản BĐS, thuế chống đầu cơ BĐS, chậm đưa đất vào sử dụng. Hay như thuế thu trên giá trị gia tăng của đất đai do Nhà nước đã đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hoặc thu thông qua thuế tài sản BĐS hằng năm.
Tuy nhiên, ông Châu cũng cho rằng đang có tình trạng khai thác quá mức phương thức trực thu, thu tiền sử dụng đất một lần quá lớn đang là gánh nặng cho doanh nghiệp và người mua nhà. Đồng thời, về lâu dài sẽ khiến cạn kiệt nguồn thu này.
Phương thức thu tiền sử dụng đất hiện nay đang là ẩn số, không minh bạch và tạo ra cơ chế xin-cho, gây nhũng nhiễu, tiêu cực mà người gánh chịu là doanh nghiệp và người dân.
Hiện HoREA đã có kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng bãi bỏ chế định thu tiền sử dụng đất mà chuyển thành sắc thuế đánh trên hành vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp hoặc thành đất ở với thuế suất phù hợp để tạo điều kiện làm giảm giá thành BĐS, nhà ở.
“Nếu không còn thu tiền sử dụng đất, để thay thế một phần sự sụt giảm nguồn thu ngân sách, hiệp hội kiến nghị ban hành thuế tài sản - BĐS vào khoảng sau năm 2020 để tạo nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững” - ông Châu thông tin.