TP.HCM cần bổ sung gần 26.000 liều vaccine ngừa COVID-19

(PLO)- Ước tính đến hết năm 2023, số vaccine phòng ngừa COVID-19 của TP.HCM cần bổ sung là 25.924 liều.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 năm 2023, triển khai ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH đóng trên địa bàn tỉnh, thành khác.

TP.HCM có kế hoạch tiêm vaccine đến hết năm 2023. Ảnh: NGUYỆT NHI

TP.HCM có kế hoạch tiêm vaccine đến hết năm 2023. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo đó, nhu cầu vaccine đến hết năm 2023 ở ba nhóm (người từ 18 tuổi trở lên, người từ 12 đến dưới 18 tuổi và trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi) là 196.264 liều.

Trong đó, số vaccine đã cấp từ đầu năm 2023 là 163.710 liều, số vaccine hiện còn là 6.630 liều. Do đó, ước tính đến hết năm 2023, số vaccine phòng COVID-19 của TP cần bổ sung là 25.924 liều.

Nhu cầu này có thể thay đổi theo đề xuất của địa phương và tình hình dịch bệnh.

UBND TP.HCM giao Sở Y tế quản lý, giám sát và điều phối vaccine giữa các địa phương, hoạt động tổ chức tiêm vaccine. Đôn đốc đảm bảo tiến độ tiêm chủng, chất lượng vaccine an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho người dân trên địa bàn TP.

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức điểm tiêm lưu động, tại nhà (nếu có). Tiếp tục sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 để quản lý người được tiêm vaccine trên địa bàn.

Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, lập danh sách các học sinh từ 5 đến dưới 18 tuổi đang đi học tại các cơ sở giáo dục chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ để tiêm chủng tại trường hoặc các địa điểm phù hợp khác.

Sở LĐ-TB&XH phối hợp với quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, lập danh sách cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi không đi học hoặc các trẻ đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để tiêm chủng.

Công an TP phối hợp với ngành y tế các địa phương quản lý người tiêm chủng, làm sạch dữ liệu tiêm chủng COVID-19 trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Cung cấp mã số định danh cho các trẻ đang đi học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP nhưng có địa chỉ thường trú ở tỉnh, TP khác.

Còn UBND quận, huyện, TP Thủ Đức bố trí nguồn lực thực hiện, công khai các điểm tiêm chủng trên địa bàn và thông tin đến người dân để biết và đi tiêm chủng kịp thời.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, không để tình trạng vaccine không được sử dụng, gây lãng phí.

“Lãnh đạo UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND TP về kết quả tiêm vaccine trên địa bàn và chịu trách nhiệm trong việc tổng hợp và đề xuất nhu cầu vaccine phòng COVID-19 của địa phương” – UBND TP chỉ đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm