TP.HCM cần cơ chế mới toàn diện để tăng tính chủ động

(PLO)-  Nghị quyết mới sẽ phân cấp, phân quyền cho TP chủ động xây dựng các quy định, quy trình, thủ tục để triển khai thực hiện trong thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 1-6, tại buổi tọa đàm “TP.HCM sau hơn bốn năm thực hiện cơ chế đặc thù” do VTV9 tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 54/2017 thời gian qua và nêu một số đề xuất trong nghị quyết mới.

Giao, tăng thẩm quyền cho TP.HCM

Đề xuất một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết TP sẽ kiến nghị bốn điều chỉnh cơ bản.

Trong đó, nghị quyết mới sẽ là nghị quyết thực hiện dài hạn chứ không còn là thí điểm.

Đi sâu vào nội dung, ông Hoan nhìn nhận nghị quyết mới sẽ toàn diện trên nhiều lĩnh vực chứ không giới hạn trong năm lĩnh vực. Gồm: Quản lý nhà nước về đầu tư, về tài chính - ngân sách, đô thị - môi trường, văn hóa - xã hội, kinh tế, về tổ chức bộ máy, phân cấp ủy quyền… và cả một chương quy định những cơ chế riêng cho TP Thủ Đức.

Tọa đàm TP.HCM sau bốn năm thực hiện cơ chế đặc thù. Ảnh: LT

Tọa đàm TP.HCM sau bốn năm thực hiện cơ chế đặc thù. Ảnh: LT

“Chúng tôi sẽ kiến nghị đưa một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thuộc chức năng, nhiệm vụ của một số bộ giao về cho TP.HCM trực tiếp quản lý, tổ chức và điều hành” - ông Hoan khẳng định.

Đồng thời, về tổ chức thực hiện, TP sẽ kiến nghị trong nghị quyết mới giao nhiệm vụ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nghị định hoặc bộ, ngành có thông tư hướng dẫn thực hiện các điều quy định tại nghị quyết của Quốc hội để tránh nghị quyết chỉ nằm trên giấy.

Trong nghị quyết mới sẽ quy định trách nhiệm của TP là chủ động xây dựng quy định, quy trình, thủ tục để triển khai những điều mà nghị quyết quy định.

Đáng chú ý, TP còn kiến nghị cơ chế phối hợp để xử lý những vấn đề có sự đánh giá, nhìn nhận, quan điểm khác nhau giữa TP.HCM và các bộ, ngành.

Phân cấp, phân quyền: Rõ, mạnh, tăng tính tự quyết

TS Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khóa XIII, đề nghị TP.HCM cần tiếp tục kiến nghị về thẩm quyền của địa phương trong ban hành văn bản; đặt ra các loại phí; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Theo ông Lịch, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rất rõ thế nào là phân cấp, phân quyền, ủy quyền nhưng các luật chuyên ngành thì chưa rõ, nên cần minh bạch điểm này.

Ông ví dụ về xây dựng, cái gì cần xin bộ, cái gì chính quyền TP tự quyết và theo nguyên tắc cái gì địa phương làm tốt thì bộ, ngành thực hiện kiểm tra, giám sát, chế tài, để “bớt đi chuyện ôm hồ sơ lên bộ này, bộ kia”.

Hay ngân sách cũng cần minh bạch tỉ lệ, duy trì 5-10 năm, phần nào phân chia cho địa phương; phần nào của trung ương theo luật thì TP phải thu nộp; còn phần địa phương có thể năng động tăng thu theo các hình thức khác thì TP hưởng, nếu còn thiếu thì cho phép phát hành trái phiếu vay để đầu tư.

TS Trần Du Lịch cho rằng cơ chế cho TP.HCM không hẳn là cơ chế đặc thù, mà là cơ chế phù hợp với một siêu đô thị như TP.HCM.

“Từ lâu chúng ta quản lý nhà nước theo kiểu một cái lưới bắt mọi loại cá, quản lý nhà nước không thể theo mô hình chung” - TS Trần Du Lịch nói và nhìn nhận nếu cho TP cơ chế tự chủ thì trách nhiệm của TP sẽ càng lớn.

Cơ chế đã khơi dòng nhưng đồng vốn chưa thông

Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 54 thời gian qua, ông Võ Văn Hoan cho rằng có nhiều việc TP đã làm nhưng chưa tới nơi tới chốn vì thời gian hạn chế, có những nội dung TP trình nhưng chưa được cơ quan chức năng xem xét, cho ý kiến

Theo ông Hoan, về khách quan, Nghị quyết 54 có hiệu lực từ năm 2018 nhưng hai năm đầu TP nỗ lực rất nhiều để tìm tòi, suy nghĩ, đề xuất, thẩm định, lấy ý kiến phản biện và đi đến các quyết định để triển khai thực hiện. Hai năm tiếp theo (2020-2021) là hai năm lẽ ra TP phải triển khai thực hiện nhưng thời gian đó TP vướng phải đại dịch COVID-19. Đến đầu năm 2022 thì TP đã phải bắt tay vào tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết cũ và đề xuất nghị quyết mới. Như thế, thời gian thực tế để triển khai thực hiện những nội dung của nghị quyết rất ít.

Về chủ quan, đây là vấn đề mới, hệ trọng, liên quan đến đại bộ phận người dân TP. Đây cũng là lần đầu tiên, chưa có tiền lệ mà TP phải đưa ra những quyết định mang tính đột phá như thế, nên trong chừng mực, sự thận trọng là cần thiết.

Ông Hoan dẫn chứng để được hưởng 100% tiền thu được từ cổ phần hóa doanh nghiệp thì TP phải có phương án sử dụng đất, trong khi đó trên thực tế chưa có cơ quan nào hướng dẫn việc này. Hay Nghị quyết 54 “cho” TP được hưởng 50% tổng thu từ tài sản sắp xếp được của bộ, ngành trung ương thông qua đấu giá; trong thực tế có cơ quan đã sắp xếp được nhưng chưa được phê duyệt, có cơ quan được phê duyệt nhưng chưa đấu giá, thậm chí có tài sản đã đấu giá rồi nhưng chưa có kết quả… Vì thế, TP chưa có được nguồn lực tài chính như mong đợi.

Cùng với đó, trên thực tế, nhu cầu đầu tư và phát triển kinh tế của TP rất lớn nhưng nguồn lực thì có hạn, nhất là về ngân sách. Ông Hoan dẫn chứng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP được trung ương phê duyệt là 140.000 tỉ đồng nhưng khi phân bổ thì chỉ phân bổ được cho các dự án của nhiệm kỳ trước (giai đoạn 2016-2020), mà chưa thể bố trí được cho bất cứ dự án nào của nhiệm kỳ này.

“TP.HCM là nơi đầu tư sinh lợi, nếu dồn nguồn lực cho TP hoặc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP thì sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất, thu hút doanh nghiệp, phát triển sản xuất. Từ đó làm tăng thu ngân sách, tương ứng với việc TP càng đóng góp nhiều hơn cho trung ương” - ông Hoan đúc rút.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm