TP.HCM cần hơn 107.000 tỉ để chống ngập trong 5 năm tới

UBND TP.HCM vừa chính thức phê duyệt Đề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020-2025 và kế hoạch chống ngập, xử lý nước thải giai đoạn 2020-2030.

Theo UBND TP.HCM, để cơ bản chống ngập đến năm 2025, TP cần 107.200 tỉ đồng để thực hiện các quy hoạch. Ảnh: THU TRINH

Triển khai hàng trăm dự án

Theo UBND TP, để cơ bản chống ngập đến năm 2025, TP cần 107.200 tỉ đồng để thực hiện các quy hoạch, nhiệm vụ chính. Đầu tiên là Quy hoạch 752 với 16 dự án, kế đó là Quy hoạch 1547 với gần 29 dự án, cộng thêm 70 dự án cải thiện hệ thống thoát nước, bảy hồ điều tiết và nhiều công trình nạo vét kênh, xử lý nước thải…

Trong năm năm tới, đề án đề ra mục tiêu không để tái ngập tại các vị trí đã được giải quyết trong phạm vi 550 km2 thuộc giai đoạn 2016-2020. Tập trung giải quyết ngập bền vững cho vùng trung tâm TP rộng 106,41 km2, cơ bản giải quyết thoát nước cho các vùng còn lại của TP.

Đồng thời, thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước, giải quyết 15 tuyến đường ngập do mưa còn lại. Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước tại khu vực chưa có hệ thống thoát nước, đặc biệt là khu vực phía đông TP. Thực hiện nạo vét các trục tiêu thoát nước lớn nhằm tăng cường khả năng thoát nước cho khu vực trung tâm TP về phía nam.

Ngoài ra sẽ hoàn thiện giai đoạn 1 Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 3, mời gọi đầu tư các nhà máy xử lý nước thải còn lại. Tập trung đầu tư thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật)…

Giai đoạn 2026-2030, thực hiện các dự án dự báo, kiểm soát ngập nước nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu. Xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống thoát nước theo quy hoạch tại khu vực ngoại vi. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các dự án nạo vét trục thoát nước chính, chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch đường sông. Xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tại các lưu vực dân cư đông như bắc Sài Gòn, tây Sài Gòn, nam Sài Gòn.

Các giải pháp cấp bách, ngắn hạn

Bên cạnh kế hoạch dài hơi, đề án cũng đề ra các giải pháp ngắn hạn. Cụ thể, UBND TP giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP, UBND các quận, huyện triển khai nhanh và đưa vào sử dụng một số dự án công trình cấp bách, đang thực hiện dở dang, các công trình chuyển tiếp của nhiệm kỳ trước.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần tổ chức nghiên cứu và đưa vào ứng dụng công nghệ mới trong thi công các công trình thoát nước, đê, kè, công nghệ khoan kích ngầm, hồ điều tiết ngầm.

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhân lực, vật lực để tiếp nhận, đưa vào khai thác và bảo quản các công trình xây dựng thuộc dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Quy hoạch 752: Quy hoạch tổng thể thoát nước TP đến năm 2020 do JICA tài trợ được nghiên cứu, lập từ năm 1997, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001 tại Quyết định số 752/QĐ-TTg.

Quy hoạch 1547: Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1547/2008 với mục tiêu là kiểm soát triều, hạ mực nước tại các kênh rạch chính kết nối với các sông Sài Gòn - Đồng Nai - Nhà Bè.

Hiện nay, TP cũng đang rà soát, điều chỉnh hai quy hoạch này.

 

Sở Xây dựng chỉ đạo đơn vị trực thuộc tổ chức, vận hành hiệu quả hệ thống thoát nước hiện hữu; tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm tình hình ngập trong thời gian chờ các dự án lớn triển khai. Sở Xây dựng cũng cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn ủy quyền được phân cấp hằng năm phục vụ công tác nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước.

UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống thoát nước trên địa bàn. Có kế hoạch cụ thể xử lý các trường hợp lấn chiếm hiện hữu và phát sinh mới. “Định kỳ ba tháng/lần, UBND quận, huyện báo cáo kết quả thực hiện đến Sở Xây dựng tổng hợp, tham mưu UBND TP, đẩy mạnh công tác nạo vét hệ thống cống, kênh rạch do quận, huyện phụ trách quản lý, đảm bảo đồng bộ với hệ thống thoát nước chung TP” - đề án nêu.

TP.HCM có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu cao nhất thế giới

TP.HCM là một trong 10 TP có nguy cơ ảnh hưởng do biến đổi khí hậu cao nhất thế giới (theo dự báo khi biến đổi khí hậu diễn ra, diện tích bị ngập của TP đến cuối thế kỷ 21 lần lượt là 128 km2, 204 km2 và 473 km2 tương ứng với các kịch bản nước biển dâng 65 cm, 75 cm và 100 cm).

Khả năng kiểm soát ngập ở TP.HCM 100% là điều không thể thực hiện được, kể cả các quốc gia tiên tiến nhất thế giới nên cần phải tiếp tục nghiên cứu triển khai một chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện với môi trường và ít tốn kém nhất.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới