Quý I-2023, tăng trưởng của TP.HCM chỉ đạt 0,7%, thấp nhất trong năm TP trực thuộc Trung ương. Trước con số này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại phiên họp kinh tế - xã hội TP ngày 1-4, đã đặt câu hỏi: “Điều gì đang xảy ra tại TP.HCM? TP.HCM đang gặp vấn đề gì”?
90% thị trường bất động sản TP đóng băng
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2023 hôm qua (3-4), báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết từ cuối năm 2022, TP đã dự báo, nhận diện khó khăn thách thức từ sớm và chủ động ban hành kế hoạch, triển khai giải pháp.
Dù vậy, kết quả phát triển kinh tế của địa phương trong quý I-2023 giảm sâu hơn so với dự báo. Tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt 0,7% so với cùng kỳ.
TP.HCM còn đối mặt với thực tế 22% doanh nghiệp ngưng hoạt động và 17,6% doanh nghiệp sẽ cắt giảm lao động trong thời gian tới. Doanh nghiệp tại TP hiện gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp (41,2%), giá nguyên liệu đầu vào tăng (17,6%), thiếu vốn (17,6%), thiếu nguồn nhân lực phù hợp (11,2%).
Lý giải thêm về nguyên nhân TP tăng trưởng thấp trong quý đầu tiên của năm, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng ngành xây dựng và bất động sản hiện gặp nhiều khó khăn. 90% bất động sản bị đóng băng; các vụ việc, vụ án ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án bất động sản, tổ tháo gỡ bất động sản hoạt động tích cực nhưng kết quả chưa được nhiều.
Nhiều ngành dịch vụ bị ảnh hưởng, trong đó hoạt động ngành ngân hàng đạt hiệu quả chưa cao, nhu cầu thấp do lãi suất cao và các điều kiện tín dụng thắt chặt, nhiều doanh nghiệp cần vốn nhưng các điều kiện đáp ứng khó…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trong cuộc họp bàn về nguyên nhân kinh tế TP tăng trưởng thấp trong quý đầu tiên năm 2023 hồi cuối tuần qua. Ảnh: TTBC |
Cũng trong phiên họp về tình hình kinh tế- xã hội TP.HCM, Chủ tịch Phan Văn Mãi mong muốn lãnh đạo các sở, ngành tiếp tục suy nghĩ và nghiêm túc hành động để sớm thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, thúc đẩy kinh tế TP phát triển. “Khó khăn này không nhỏ nhưng chắc chắn chúng ta phải đứng dậy đi tới”- ông động viên.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói, các chỉ số thấp ở mức sâu như thế là điều không ai ngờ đến. Ông cho rằng, đây là “trận thua đậm” của TP trong quý đầu tiên của năm. Ở ba quý tiếp theo, chính quyền TP phải làm việc trong tâm thế là “trận chung kết” mới mong lấy lại được những gì đã mất.
Người đứng đầu Thành ủy TP chia sẻ, “sức khỏe” kinh tế TP chưa thực sự phục hồi sau cơn bạo bệnh, đó là hậu quả của một sự bật dậy còn gượng gạo do căn bệnh cũ còn để lại.
Ông đề nghị các sở, ban, ngành cần nói thẳng, nói thật những nguyên nhân, đặc biệt là nghiêm túc nhìn nhận về nguyên nhân chủ quan, để đưa ra giải pháp cho quý II và những quý còn lại của năm 2023, chuẩn bị cho những năm kế tiếp.
Lĩnh vực nào cũng khó
Nói về nguyên nhân tăng trưởng thấp, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Lê Thị Huỳnh Mai cho biết ngoài việc bị tác động bởi đà suy giảm của thế giới, kinh tế TP đứng trước nhiều khó khăn bởi tình hình trong nước.
Thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn; nợ xấu nhiều ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng; doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh. 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm; số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ...
Dù chính quyền TP đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhưng việc thực hiện các dự án đầu tư công trong quý I còn nhiều tồn tại, hạn chế, chỉ đạt khoảng 2% tổng số vốn giao. Cạnh đó, tiến độ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp của các sở, ban, ngành còn chậm.
Giám đốc Sở KH&ĐT TP Lê Thị Huỳnh Mai lý giải nguyên nhân kinh tế TP tăng trưởng thấp trong quý đầu năn 2023. Ảnh: TTBC |
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cho hay, chương trình phát triển nhà ở tại TP.HCM giai đoạn 2021-2025 với chỉ tiêu 50 triệu m2 sàn đang gặp nhiều khó khăn. Hai năm đầu nhiệm kỳ, TP đã xây dựng 13,5 triệu m2 sàn. Trong ba năm còn lại, mỗi năm TP phải phát triển 12,2 triệu m2 sàn nhà ở. Tuy nhiên, trong quý I-2023, TP chỉ phát triển 1 triệu m2 sàn nhà ở.
TP.HCM cũng đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 35.000 căn nhà ở xã hội và lưu trú công nhân nhưng đến nay chỉ có một dự án hoàn thành với 280 căn. Hiện có chín dự án nhà ở xã hội đã được động thổ, khởi công nhưng sau đó "đứng hình" do vướng Luật Nhà ở, Luật Đất đai, tài sản công.
Ngoài ra, TP.HCM đã chấp thuận năm dự án nhà ở được phép huy động vốn, dự kiến đưa ra thị trường hơn 7.500 căn. Các doanh nghiệp cần khoảng 105.000 tỉ đồng nhưng gặp vướng mắc về các chính sách tài chính, ngân hàng.
Ở lĩnh vực đầu tư tư nhân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa hay cộng đồng doanh nghiệp TP hiện chia làm hai nhóm với hai tâm trạng khác nhau.
Nhóm thứ nhất là những doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự để bảo đảm hoạt động, số hàng hóa tồn kho tăng, thanh khoản giảm. Số vốn của nhóm này đang nằm trong hàng hóa, vật tư nguyên liệu hoặc hàng thành phẩm chưa tiêu thụ được. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài bị kéo giãn thời gian thanh toán, có trường hợp bị chuyển từ mua đứt bán đoạn sang ký gửi.
Nhóm thứ hai là số các doanh nghiệp đang ấp ủ nhiều ý tưởng để đầu tư và phát triển dài hạn. Tuy nhiên trong bối cảnh lãi suất cao trên 10%/năm như hiện nay thì không đơn vị nào dám vay.
Một vấn đề nữa là hiện các doanh nghiệp cũng gặp khó khi thuê đất trong khu công nghiệp trả một lần nhưng do chủ đất trả hằng năm nên không thể thế chấp.
TS Trần Du Lịch đánh giá trụ cột quan trọng nhất đối với TP.HCM hiện nay vẫn là đầu tư công. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Trụ cột quan trọng nhất vẫn là đầu tư công
TS Trần Du Lịch - chuyên gia theo dõi TP.HCM trong nhiều năm, nói dù đã được dự báo trước nhưng ông vẫn bất ngờ với con số tăng trưởng 0,7%. Ông cho rằng báo cáo của Sở KH&ĐT chưa chỉ rõ được những nguyên nhân mà TP đang gặp phải.
Ông nói đã nhiều lần chỉ ra những nguyên nhân từ quý IV-2022. Khách quan là do nền kinh tế Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng chịu tác động của thị trường tài chính thế giới và thị trường bất động sản. Hai yếu tố này cộng hưởng gây áp lực lên nền kinh tế của TP.
“Tuy nhiên, đến thời điểm quý I-2023, tình hình trong cả nước đã dễ chịu hơn, khi ngân hàng là vượt qua nguy cơ đỗ vỡ; kiểm soát được lạm phát, tỉ giá và ứng phó thị trường tài chính thế giới. Lẽ ra tình hình phải được cải thiện nhưng tại sao tăng trưởng lại thấp như vậy” - vị chuyên gia đặt vấn đề.
Chính phủ và TP.HCM đã đề ra ba trụ cột chính để kéo kinh tế TP dần tăng trưởng trở lại. Trong đó, trụ cột quan trọng nhất vẫn là đầu tư công.
“Đầu tư công diễn ra thế nào sẽ dẫn dắt đầu tư xã hội như thế đó. Tuy nhiên kết thúc quý đầu tiên của năm, TP chỉ giải ngân được 2%. TP đã bỏ hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích kinh tế”- vị chuyên gia thẳng thắn chỉ rõ mắt xích quan trọng nhất về sự sụt giảm kinh tế của TP.
Thứ hai, TP vẫn chưa hấp thụ được vốn. Vấn đề này từng ông cũng nêu ra trong cuộc họp cuối năm 2022 với 10 nhóm giải pháp. Trong đó, ông cho rằng trọng tâm là phải công khai, minh bạch các dự án đang tồn đọng, cái nào làm hay không làm phải chỉ rõ. Vậy nhưng theo quan sát của ông, TP cũng chưa tận dụng được công cụ hấp thụ vốn này.
Riêng trụ cột về thị trường nội địa, ông cho là chưa bao giờ tổng doanh thu dịch vụ bán hàng của TP.HCM thấp hơn cả nước. Cả nước đạt 10,3% thì TP chỉ bằng 1/3 cả nước.
"Ba trụ cột thúc đẩy nền kinh tế, được xem là liều thuốc để TP có thể vượt qua cơn bạo bệnh nhưng không được sử dụng hiệu quả" - TS Lịch nói và trăn trở không biết TP đã triển khai được đến đâu.
TS Lịch không đưa thêm giải pháp nào cho kinh tế TP trong thời điểm bước sang tháng đầu tiên của quý II-2023. Ông khẳng định, TP phải tập trung làm được ba trụ cột đã được đề ra từ cuối năm ngoái; nhất là phải gỡ được đầu tư công, đầu tư tư nhân, minh bạch trong đầu tư để tạo niềm tin, hấp thụ được vốn…
Ông cũng nêu thực tế qua làm việc với một số doanh nghiệp, họ đều nói rằng TP.HCM hiện nay không có gì để làm. "Nhiều việc đang đứng tại chỗ thì làm sao TP phát triển được. Chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề này để giải quyết vấn đề thực sự có hiệu quả"- TS Lịch nói và bày tỏ tin tưởng vào khoảng quý III-2023, kinh tế TP.HCM sẽ khởi sắc trở lại.
Ông kỳ vọng TP sẽ giải quyết được những vấn đề trì trệ, gỡ khó để hấp thụ vốn. Việc này không thể làm chung chung mà phải công khai, minh bạch để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. "Nếu làm được, TP sẽ bù đắp được những cái mất thời gian qua"- TS Lịch nói.
Qúy I-2023, 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu của TP có mức tăng trưởng âm. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Phấn đấu trong quý II giải ngân 35%
Trao đổi lại, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), cho rằng nhận định TP đã bỏ qua công cụ đầu tư công là chưa chính xác.
Theo ông Phúc, từ quý II, dự án Vành đai 3 bước sang giai đoạn đặc biệt quan trọng là triển khai khởi công phần xây lắp và hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2023.
Giai đoạn này, TP cần phải giải ngân 23.000 tỉ đồng trong chín tháng. Lãnh đạo TCIP cho rằng đây là nhiệm vụ cực kỳ khó trong tình hình hiện nay. TP.HCM hiện có ba tổ công tác và tất cả ban điều hành dự án đều có báo cáo tiến độ chi tiết, họp tháo gỡ vướng mắc liên tục.
Ở góc độ đặc thù các nguồn vốn, trong 31.000 tỉ đồng cần giải ngân cho dự án hạ tầng chung trong năn 2023, riêng dự án Vành đai 3 có vốn đến 23.000 tỉ, chiếm 80%. Ông Phúc cho hay, phần lớn nguồn vốn này sẽ giải ngân trong quý III và quý IV. Dự kiến từ quý II, tỉ trọng giải ngân sẽ tăng dần.
Trước Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế TP trong quý II, dù sẽ còn nhiều khó khăn.
TP.HCM vẫn xem đầu tư công là động lực quan trong và nỗ lực để thúc đẩy mạnh mẽ tỉ lệ giải ngân, bảo đảm đầu tư công diễn ra đúng tiến độ. TP phấn đấu trong quý II giải ngân 35%, quý III giải ngân 58%, quý 4 giải ngân 91%, hết niên độ là 95%.
Song song đó, TP sẽ tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển thị trường, tiếp cận nguồn vốn, giải quyết thủ tục...
Chủ tịch Phan Văn Mãi kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành hỗ trợ TP, phân tích tìm các giải pháp trước mắt và lâu dài để củng cố tăng trưởng. Ông cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ đặc biệt xuất nhập khẩu, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại - du lịch… Đồng thời, mong Thủ tướng quan tâm phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài trước ngày 30-4.
Với các sở, ngành TP, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao từng đầu việc cụ thể để công việc chạy và đạt hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu phải đẩy nhanh đầu tư công để thúc đẩy đầu tư ngoài ngân sách. Những ban nào chiếm tỉ lệ đầu tư công lớn, các công trình trọng điểm thì các chủ đầu tư thường xuyên cập nhật tiến độ, đôn đốc để giải quyết.
Với các dự án trọng điểm, cần có giao ban hằng tuần, thậm chí hằng ngày với một số khoảng thời gian cụ thể để cập nhật được các khó khăn vướng mắc, phối hợp giải quyết...
Các sở, ngành, đơn vị tập trung củng cố các tổ công tác đầu tư công và chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp chuyên đề của HĐND TP sắp tới để phân bổ vốn dự phòng trung hạn và vốn năm 2023.
Đồng thời tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; đào tạo lại nguồn nhân lực, hỗ trợ việc làm...
Các sở, ngành tổng hợp lại những dự án đang vướng, phối hợp với đơn vị liên quan để cùng gỡ. Nếu dự án vướng hơn nữa thì tập hợp lại, báo cáo với Thường trực UBND TP để giải quyết.
Ông Mãi cũng cho biết sẽ tập trung giải quyết các kiến nghị cơ bản của doanh nghiệp. Trong tháng 4, TP sẽ cố gắng giải quyết dứt điểm 141 kiến nghị của doanh nghiệp nhà nước.
TP cũng sẽ tập trung gỡ vướng cho 40 dự án đang vướng trong quý II. Với 138 dự án mà hiệp hội bất động sản báo cáo thì rà soát lại danh sách để xác định nhóm dự án tập trung giải quyết triệt để.