Sáng 10-3, Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị Lịch sử, Văn hoá TP.HCM phối hợp với UBND Quận 10 tổ chức Lễ khởi công công trình Tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình Chí Hòa (Cách Mạng Tháng 8, phường 13, Quận 10, TP.HCM).
Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM dâng hương cùng các lãnh đạo đình. Ảnh: HÀ NGUYỄN. |
Đây là công trình đầu tiên trong 31 di tích được tu bổ, phục hồi trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025 do UBND TP.HCM ra quyết định vào cuối năm ngoái.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Thế Thuận Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM cho biết: "Việc tu bổ và bảo quản di tích là một việc làm không chỉ có giá trị về mặt bảo tồn di sản văn hoá mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho cả cộng đồng.
Đây cũng là việc làm thể hiện lòng biết ơn các nghệ nhân tài hoa, các bậc tiền bối đã tốn bao công sức và trí tuệ gầy dựng để lại cho hậu thế cho cha con chúng ta và con cháu mai sau một tài sản văn hoá vô cùng độc đáo để chiêm ngưỡng, nghiên cứu và học tập.
Hôm nay, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, Sở VH&TT đã quyết định tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đình Chí Hòa bằng ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư 34 tỷ đồng".
Cột, rường của đình Chí Hoà đã xuống cấp, được gia cố bằng các khung sắt. Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Bên cạnh đó, ông Thuận cũng mong rằng UBND Quận 10 sẽ tạo điều kiện, quan tâm chỉ đạo giám sát chặt chẽ để công trình thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Và đề nghị các bên liên quan và ban quản lý di tích Đình Chí Hoà tích cực chủ động, phối hợp chặt chẽ tổ chức thi công công trình đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra.
Ông Phạm Thành Lâm, Trưởng ban quản lý đình Chí Hòa chia sẻ về ngôi đình 300 tuổi. Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Ông Phạm Thành Lâm, Trưởng ban quản lý đình Chí Hoà cũng cho biết sẽ cố gắng rất nhiều phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát, góp phần để công trình đúng tiến độ và đạt kết quả như muốn và bảo quản thật tốt cơ sở vật chất mới được tiếp nhận.
"Phát huy tốt bản sắc văn hoá tín ngưỡng Việt Nam trong tín ngưỡng dân gian đưa thêm sinh hoạt văn hoá cộng đồng vào lễ hội và di tích để không phụ lòng tin của lãnh đạo từ thành phố đến quận, phường, đáp ứng nhu cầu tâm linh của một bộ phận tâm linh trong vùng đã gửi gắm vào ngôi đền cổ"- ông Lâm chia sẻ.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Theo dự tính ban đầu, công trình tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình Chí Hòa sẽ được thực hiện trong 540 ngày.
Đình Chí Hoà là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đã gần 300 năm tuổi.
Theo lịch sử ghi lại lại sau 1968 thống soái Nguyễn Hữu Cảnh được triều đình nhà Nguyễn cử vào khai phá đất phương Nam. Ông thiết lập nên xã thôn, làng.
“Trong sinh hoạt lâu đời của đồng bào Nam Bộ có làng là có đình và người ta dùng ngay dùng địa danh nơi đó để đặt tên cho Đình. Đình Chí Hoà ra đời có tên gọi cũng từ tập quán và yếu tố trên.
Ban đầu đình là nhà tre, vách ván mái lợp ngói âm dương, đến bây giờ đã được nhiều lần tôn tạo” – ông Lâm cho biết.
Năm 1785-1792, cụ đồ Võ Trường Toản dạy học ở đây. Ban đầu không có nhiều người biết đến cụ nhưng khi thành đạt học trò đến thăm cụ thì mọi người mới biết.
Năm 1915 - 1917, phong trào Thiên Địa Hội do Phan Xích Long lãnh đạo chống lại thực dân Pháp đã chọn đình Chí Hòa làm nơi luyện tập võ nghệ bí mật của phong trào.
Ngoài ra đình còn có các di vật cổ như đôi liễn tại chính diện (Năm Đinh Mão- 1867), các hoành phi “Quốc thái dân an” (Năm Canh Tuất- 1850), “Thần minh chính trực” (Năm Đinh Mão – 1867)…
Di tích đình Chí Hòa được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1996.