Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 3,48% so với cùng kỳ.
Trong 11 nhóm hàng tính CPI có 2/11 nhóm có chỉ số giá giảm là nhóm văn hóa giải trí và du lịch. Các nhóm hàng còn lại có chỉ số giá tăng và tăng cao nhất là nhóm giao thông với mức tăng 2,23%.
Nhóm giao thông tăng chủ yếu vì giá xăng tăng 4,78% do ảnh hưởng của 5 lần điều chỉnh giá bán xăng dầu.
Bên cạnh đó, do nhu cầu đi lại vào dịp nghỉ lễ tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,98%.
Tăng cao thứ hai là chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,82%.
Trong đó, giá điện sinh hoạt tăng 3,37% do nhu cầu sử dụng điện tăng mạnh khi thời tiết nắng nóng kéo dài; giá nhà ở thuê tăng 0,53%; giá nhà vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,42% do nhu cầu tiêu thụ và giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Chỉ số giá nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,43%. Trong đó, đồ trang sức tăng 1,89% do giá vàng tăng cao trong thời gian gần đây.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, CPI bình quân bốn tháng đầu năm tăng 3,12% so với cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng tính CPI có 1 nhóm bưu chính viễn thông giảm 3,95%.
Chỉ số giá các nhóm còn lại đều tăng và tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế.
Riêng chỉ số giá vàng tháng 4 tăng 1,88% so với tháng trước và tăng 22,49% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân bốn tháng năm 2024 tăng 17,91% so với cùng kỳ.
Trung Quốc là quốc gia có số lượt dự án cấp mới nhiều nhất vào TP.HCM
Theo Cục Thống kê TP.HCM, từ ngày 1-1 đến ngày 20-4 tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP (cấp mới; điều chỉnh vốn đăng ký; góp vốn mua cổ phần, mua lại phần vốn góp) đạt 915,6 triệu USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ.
Trung Quốc là quốc gia có số lượt dự án cấp mới nhiều nhất với 63 dự án. Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về vốn đăng ký dự án cấp phép mới với 37 dự án, vốn đăng ký đạt 48,4 triệu USD, chiếm 37,3%.
Tiếp đến là Singapore với 50 dự án, vốn đăng ký đạt 21,8 triệu USD, chiếm 16,8%.
Nhật Bản với 32 dự án, vốn đăng ký đạt 19,5 triệu USD, chiếm 15,0%.