TP.HCM: Chỉ số giá tiêu dùng quý I tăng 3%

(PLO)- Theo Cục Thống kê TP.HCM, trong 11 nhóm hàng, chỉ có nhóm bưu chính viễn thông giá giảm, các nhóm còn lại đều tăng và tăng cao nhất là nhóm giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý I của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,22% so với tháng trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa tính CPI có bốn nhóm hàng tăng giá, hai nhóm hàng giá không biến động và năm nhóm hàng giảm giá.

Đáng chú ý, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình) chỉ số giá giảm nhiều nhất 0,55% trong đó giá lương thực, thực phẩm giảm, dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng giá.

gia-tieu-dung.jpg
Xu hướng tiết kiệm chi tiêu của người dân thách thức cho các đơn vị kinh doanh. ẢNH: TÚ UYÊN

Tiếp đến là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chỉ số giá giảm 0,26% so với tháng trước, trong đó các mặt hàng như tivi màu; thể thao và giải trí; du lịch trọn gói; khách sạn, nhà khách giảm giá.

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,22% chủ yếu từ giá điện sinh hoạt giảm vì tiêu thụ điện giảm trong thời gian người dân về quê đón Tết.

Trong bốn nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng hóa, dịch vụ khác có chỉ số giá tăng cao nhất với 0,30%, trong đó đồ trang sức tăng 4,01% do giá vàng tăng; dịch vụ vệ sinh môi trường tăng do việc điều chỉnh giá thu gom rác tại một số khu vực… Các nhóm hàng còn lại chỉ số giá tăng nhẹ.

Tính chung, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I tăng 3,00% so với cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng, chỉ có nhóm bưu chính viễn thông giá giảm 3,83%, các nhóm còn lại đều tăng và tăng cao nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng 7,75%, nhóm giáo dục tăng 7,49%.

Chỉ số giá vàng tháng 3 tăng 4,01% so với tháng trước, tăng 20,62% so với cùng kỳ; bình quân quý I tăng 16,42% so với cùng kỳ.

Quý I tổng doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 270.000 tỉ đồng

Cũng theo Cục Thống kê TP.HCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ lữ hành; dịch vụ khác) tháng 3 ước đạt hơn 88.500 tỉ đồng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung quý I, ước đạt 270.264 tỉ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ba tháng đầu năm cũng là cao điểm của hoạt động mua sắm trước trong và sau tết. Tuy nhiên, xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng vẫn đang là thách thức lớn cho các đơn vị kinh doanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm