Sáng 13-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức thông tin về tình hình dịch bệnh. Ảnh: PHƯƠNG THÙY
Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, cho biết trung bình trong 7 ngày qua (từ 5-8 đến nay), TP.HCM ghi nhận mỗi ngày có 3.687 ca mắc COVID-19. Trong đó hơn 80% trong khu phong tỏa và khu cách ly.
TP.HCM đã điều trị khỏi hơn 68.900 bệnh nhân mắc COVID-19, hiện đang điều trị hơn 32.000 bệnh nhân. Trong đó có 1.558 bệnh nhân nặng và 16 bệnh nhân nguy kịch đang chạy ECMO.
TP.HCM cũng có 10.420 trường hợp F0 không triệu chứng đang điều trị tại nhà, 12.200 F0 đã điều trị trên 7 ngày và tải lượng virus trên 30 (CT>30), theo quy định có thể về cách ly theo dõi tại nhà. “Vấn đề quan tâm nhất hiện nay của TP.HCM là tỉ lệ tử vong đang ở mức cao, trung bình 241 ca/ngày trong những ngày gần đây” – ông Đức nói.
Chính vì thế, ông Đức cho biết TP đã tập trung để nâng cao hiệu quả điều trị và đặt mục tiêu thời gian tới phải giảm số lượng tử vong. Để làm được điều này, một trong những yếu tố tiên quyết là phải giảm được những trường hợp chuyển nặng từ những tầng điều trị 2-3 để sau đó giảm áp lực cho tầng trên và có biện pháp giảm tử vong.
Theo ông Đức, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, có thể kéo dài. Số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững. Dự kiến sau 15-8, số ca F0 vẫn ở mức 3.000 ca/ngày, là số lượng lớn.
Cũng nhìn nhận số ca tử vong do COVID-19 ở mức cao, ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, cho biết TP sẽ nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả để kiểm soát tình hình; trong đó trọng tâm là chiến lược điều trị giảm tử vong trên 2 trụ cột: chăm sóc F0 tại nhà, cộng đồng và điều trị tại bệnh viện.
Về chăm sóc F0 tại nhà và cộng đồng gồm 5 đầu việc: nắm chặt danh sách F0 tại mỗi phường; kết nối F0 với có tư vấn viên thăm hỏi hằng ngày; cấp túi thuốc (do Bộ Y tế triển khai); lập tổ phản ứng nhanh của y tế cơ sở và sử dụng công nghệ hệ thống hóa F0 kết nối với các tầng còn lại. Nếu thực hiện đồng bộ, hiệu quả thì quản lý được 80% ca F0 tại TP.
Về việc điều trị tại bệnh viện (tầng 2 – 5), ông Mãi cho rằng mấu chốt là cung cấp ô xy, đồng thời rà soát lại để trang bị thêm, tổ chức sơ cấp cứu, cấp thuốc (do Bộ Y tế chỉ định, triển khai) đồng bộ từ bệnh viện dã chiến, bệnh viện quận huyện đến Trung tâm hồi sức.