Ngày 26-10, báo cáo của Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP.HCM tại hội thảo chuyên đề “Chương trình sàng lọc trước và sau sinh” cho thấy đến cuối năm 2016 TP.HCM có hơn 2.573.200 phụ nữ trong tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi). Trong đó có gần 1.277.800 chị em… chưa chồng.
BS Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng DS-KHHGĐ thuộc Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM, cho biết phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ rất quan tâm đến chương trình sàng lọc trước và sau sinh để phát hiện các dị tật thai nhi.
Một sản phụ đang được siêu âm để chẩn đoán sức khỏe thai nhi. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Từ năm 2011 đến tháng 9-2017, hơn 274.880 phụ nữ mang thai trên địa bàn TP.HCM được khám sàng lọc trước sinh. Trong đó trên 13.970 trường hợp chẩn đoán xác định có bệnh (gồm hội chứng Down, dị tật ống thần kinh, bất thường nhiễm sắc thể, các loại dị tật bẩm sinh khác. Bên cạnh đó, 2.242 trường hợp đình chỉ thai nghén (bỏ thai), 11.729 trường hợp theo dõi và hướng dẫn điều trị sau sinh” - BS Hùng cho biết thêm.
Theo BS Hùng, tổng cộng 233.425 trẻ được sàng lọc sơ sinh tính từ năm 2011 đến tháng 9-2017. Trong đó, 967 trẻ chẩn đoán xác định bệnh (bao gồm suy giáp trạng bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh…).
“Hơn 90% các trường hợp nêu trên được theo dõi, tư vấn, hướng dẫn điều trị sau sinh tại các cơ sở y tế, gia đình và cộng đồng” - BS Hùng nói.