Theo ông Châu, hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, hầu hết không có hệ thống PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao.
Chưa hết, TP.HCM còn có tình trạng chung cư chưa được nghiệm thu PCCC nhưng chủ đầu tư đã cho dân vào ở (chung cư Bảy Hiền Towers quận Tân Bình, năm 2016 cho 20 cư dân vào ở trong khi đang thi công dở dang).
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng khi xảy ra cháy nổ, lực lượng chữa cháy tại chỗ cũng gần như bị tê liệt mà nếu phát hiện và xử lý kịp thời thì sẽ không xảy ra thảm họa. Nhiều chung cư chưa có ban quản trị nên PCCC bị xem nhẹ hoặc ngó lơ.
HoREA kiến nghị cần bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng chủ đầu tư sau khi đã nghiệm thu công trình chung cư phải thông báo cho Sở Xây dựng để kiểm tra, cho phép dân vào ở, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn PCCC khu vực hầm để xe của chung cư… để đảm bảo an toàn cháy nổ.
Về chung cư cũ, ông Nguyễn Thanh Xuyên, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng, cho biết TP cũng đang có chương trình xây dựng, cải tạo nên rất khó xử lý. “Cơ quan PCCC và quận, huyện cần xử lý triệt để việc lấn chiếm không gian và lối thoát nạn chung, trang bị thêm các thiết bị PCCC. Đồng thời tổ chức huấn luyện nâng cao kỹ năng PCCC cho người dân” - ông Xuyên nói…
Đại tá Nguyễn Văn Băng, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC, cho hay trên địa bàn trước đây có 12 chung cư chưa nghiệm thu hệ thống PCCC đã cho dân vào ở. Đến nay đã khắc phục bốn chung cư, còn tám chung cư vẫn chưa hoàn thiện hệ thống PCCC.
Ông cho rằng để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, chủ đầu tư và cư dân cần phải tuân thủ các quy định về PCCC, dành kinh phí duy tu, bảo dưỡng các phương tiện PCCC, bố trí lực lượng PCCC tại chỗ để kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố.