Cổng thông tin giao thông TP.HCM với giao diện trên điện thoại (app) đã có thêm tính năng đo nồng độ cồn, giúp người uống rượu, bia có thể tham khảo tình trạng sức khỏe, biết mức phạt tương ứng khi lái xe.
Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, cho biết từ khi Nghị định 100/2019 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thì Cổng thông tin giao thông TP cũng tích hợp thêm ứng dụng này.
Sau khi điền các thông số về giới tính, cân nặng, độ cồn, thể tích thì hệ thống sẽ hiện độ cồn trong máu với tính chất tham khảo. Ảnh: L.THOA
Theo đó, khi vào tính năng đo nồng độ cồn, người dân có thể chọn giới tính, điền các thông số liên quan đến cân nặng, độ cồn và thể tích rượu, bia mình đã uống. Hệ thống sẽ hiện kết quả tham khảo về nồng độ cồn trong máu, thời gian để hết cồn.
Điều đáng chú ý là app sẽ mô tả tình trạng sức khỏe tương ứng với các thông số trên. Đồng thời hiện các mức phạt về nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019 đối với từng loại phương tiện.
Chẳng hạn, khi chúng tôi chọn giới tính nam, với cân nặng 65, độ cồn 4.5 và thể tích bia đã uống là 1.500 ml. Hệ thống sẽ hiển thị nồng độ cồn trong máu là 0.12 g/100 ml, thời gian hết cồn trong máu đến 8 g.
“Khi này, bạn không thể đứng vững và gặp khó khăn khi nói chuyện và nhìn thẳng. Khả năng phản ứng và khả năng phán đoán, tự kiểm soát đã giảm đi một cách tồi tệ” - dòng trạng thái sức khỏe hiển thị bên dưới cho người dùng.
Hệ thống cũng hiện mức phạt tiền lên đến 30-40 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng đối với xe ô tô; 6-8 triệu đồng, tước bằng lái 22-24 tháng đối với xe máy và 600.000-800.000 đồng đối với xe đạp.
Ông Đoàn Văn Tấn cho biết những thang số nêu trên được tham khảo từ nguồn của Bộ Y tế và Nghị định 100/2019. Người dân chỉ dùng để tham khảo vì còn tùy theo cơ địa của mỗi người.
“Mục đích của ứng dụng này là khuyến cáo người dân hạn chế dùng rượu, bia khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn. Còn các thông số người dân có thể tham khảo, nhưng cuối cùng ý thức của người dân vẫn là quan trọng nhất” - ông Tấn nói.
Theo ông Tấn, ứng dụng Cổng thông tin giao thông TP.HCM ra mắt ngày 20-1-2017. Đến nay đã có trên 250.000 người tải ứng dụng về điện thoại, số lượng tra cứu thông tin trên cổng này là hơn 7 triệu lượt. Đây là một kênh thông tin thông minh cung cấp thông tin về tình hình giao thông, tìm đường, tránh các khu vực ùn tắc giao thông, phản ánh các sự cố về hạ tầng giao thông…
(PL)- Nghị định 100/2019 đề ra các mức phạt thích đáng để bất kỳ ai cũng cần phải thay đổi hành vi, tạo nên cú hích để giảm thiểu đáng kể những nỗi đau tột cùng từ tai nạn giao thông.