Chiều 11-5, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội tháng 4, bốn tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 5-2021.
Kiểm soát sáu nhóm nguy cơ bùng phát dịch
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu của TP vẫn là phòng chống dịch COVID-19. Theo ông, TP.HCM đang đứng trước sáu nhóm nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn.
Sáu nguy cơ, gồm: 1/ Lây nhiễm chéo trong khu cách ly; 2/ Từ những người không tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch sau thời gian 14 ngày cách ly tập trung; 3/ Nhiều bệnh viện tuyến cuối phải tiếp nhận bệnh nhân từ nhiều tỉnh, thành với rất đông bệnh nhân và thân nhân; 4/ Từ những người nhập cảnh trái phép; 5/ Xâm nhập từ các địa phương có ca nhiễm; 6/ TP cũng là cửa ngõ giao lưu quốc tế với một sân bay quốc tế và 60 cảng hàng hải lớn nhỏ.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Ảnh: NGÂN NGA
Chính vì vậy, ông đề nghị các sở ngành, quận huyện thực hiện nghiêm các chỉ đạo của trung ương về phòng chống dịch, cần “kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, trong đó tấn công là chính”.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng yêu cầu kích hoạt toàn bộ các Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch và tổ chức hậu kiểm đối với việc thực hiện các bộ tiêu chí này. Đích thân ông sẽ đi kiểm tra tại các khu công nghiệp.
4 khu cách ly tập trung được ông Phong chỉ đạo Sở Y tế phải sớm triển khai thêm để nâng công suất lên 10.000 giường. Cùng với đó triển khai phương án điều trị 50-100 bệnh nhân cùng lúc; xây dựng kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến quy mô 5.000 giường bệnh… |
Cùng với đó, ông Phong yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tăng cường hình thức giao hàng tại nhà, không phục vụ quá 30 người trở lên cùng một lúc, bố trí chỗ ngồi thông thoáng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng chống dịch. “Khuyến khích lập vách ngăn trên bàn ăn giữa các khách hàng” - ông Phong nói và yêu cầu chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm giám sát và chịu trách nhiệm trước TP nếu để dịch lây lan trên địa bàn.
Đối với việc kiểm soát dịch qua đường hàng không, ông Phong yêu cầu không được để xảy ra tình trạng ùn ứ khách hàng trong khai báo y tế tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Còn trên đường bộ, ông yêu cầu thiết lập các chốt kiểm soát dịch với các tuyến cửa ngõ vào TP.HCM, bắt đầu từ ngày 12-5. Đảm bảo vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa và không quá 30 người/chuyến, đảm bảo giữ khoảng cách an toàn.
Về đường thủy, phân luồng làm việc tại các cảng, hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc trực tiếp giữa công nhân, người lao động, hoa tiêu, nhân viên điều độ tại các cảng với các thuyền viên trong thời gian làm hàng. Tăng giám sát camera, lập danh sách và giám sát tất cả người có tiếp xúc trực tiếp với các tàu nhập cảnh.
Về công tác xét nghiệm, ông yêu cầu dự trù đầy đủ sinh phẩm cho 40.000 test sẵn có và chuẩn bị thêm 50.000 test. Việc này đòi hỏi có đội lấy mẫu xét nghiệm, do đó ông đề nghị chỉ đạo huy động sinh viên từ các cơ sở đào tạo y dược để hỗ trợ. Cùng đó, ông cũng yêu cầu kiểm tra sự vận hành của các tổ COVID-19 cộng đồng.
Gỡ vướng cho các dự án bị đình trệ
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong nhận định mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tình hình kinh tế - xã hội của TP bốn tháng qua có nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng khá, cho thấy các giải pháp chỉ đạo, điều hành của TP đã đem lại hiệu quả trên nhiều mặt.
Ông Phong cho biết trước các khó khăn, vướng mắc với các dự án bị đình trệ trên địa bàn, TP đã yêu cầu lập tổ công tác tháo gỡ. Tổ này sẽ do Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình chịu trách nhiệm và đại diện ngành ngân hàng, thuế, môi trường để cùng ngồi lại giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, không để tồn đọng kéo dài.
Theo đó, TP sẽ hệ thống hóa tất cả dự án đang gặp khó khăn về đất đai, thủ tục và sẽ tập trung giải quyết theo từng nhóm vấn đề. “Sự phát triển của doanh nghiệp đóng góp rất lớn vào sự phát triển của TP.HCM. Những khó khăn về thủ tục, đất đai… cần phải ngồi lại với nhau để bàn và tháo gỡ. Có thể họp liên tục hằng tuần để xử lý, còn cái nào vướng mắc liên quan đến trung ương thì hệ thống lại, đăng ký làm việc với Chính phủ để tháo gỡ” - ông Phong nói và cho biết sở dĩ ông yêu cầu lập tổ công tác này vì “một tuần tôi nhận rất nhiều văn bản của doanh nghiệp gửi lên” phản ánh về các vướng mắc.
Ông nói: Không để tình trạng hồ sơ hoàn chỉnh rồi, nhà đầu tư sẵn sàng đóng tiền sử dụng đất nhưng hồ sơ vẫn nằm ở sở, ngành.
Nỗ lực nâng hạng PCI Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã chỉ đạo phải sớm thực hiện đề án tổ chức chính quyền đô thị. Theo đó, Sở Nội vụ cùng TP Thủ Đức sớm báo cáo về các nội dung ủy quyền cao nhất cho TP Thủ Đức thuộc thẩm quyền của UBND TP đầu tháng 6. Ông Phong cũng cho biết trong buổi làm việc sắp tới với Thủ tướng, UBND TP.HCM sẽ báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng về đề án cơ chế phù hợp cho TP Thủ Đức. Cạnh đó, ông Phong yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành liên quan chịu trách nhiệm nếu để sụt giảm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) theo chức năng, nhiệm vụ được phân công. “Chúng ta phải nỗ lực. PCI năm 2016 chúng ta hạng 8, nay hạng 14. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) thì ngày càng sụt giảm. Chúng ta nói cố gắng nhưng điểm số vẫn là đánh giá cuối cùng. Như học bài đi thi thôi, thức suốt đêm mà điểm thấp thì làm sao nói là ta nỗ lực” - ông Phong nói. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, không cung cấp thông tin không chính thức để đẩy giá đất thị trường, nhất là khu vực ngoại thành. |