TP.HCM lý giải số ca nhập viện, ca nhiễm tăng

Chiều 1-11, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.

Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề về công tác tiêm vaccine, tình hình dịch bệnh được các sở, ngành giải đáp.

Tiêm vaccine cho F0 khỏi bệnh: Mới áp dụng cho trẻ em

Liên quan đến việc tiêm vaccine cho học sinh từng là F0 khỏi bệnh sau 14 ngày, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết đối với người trên 18 tuổi là F0 khỏi bệnh thì vẫn áp dụng quy định cũ, tức tiêm vaccine sau sáu tháng.

Riêng đối với trẻ em 12-17 tuổi, theo hướng dẫn ngày 29-10 của Bộ Y tế thông qua Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương thì tiêu chí F0 khỏi bệnh được loại ra khỏi danh sách bị hoãn tiêm. “Có thể hiểu là F0 khỏi bệnh trong độ tuổi 12-17 vẫn được tiêm… tất nhiên phải kết thúc quá trình cách ly 14 ngày” - ông Tâm nói.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Liên quan đến trẻ em gần 12 tuổi và hơn 17 tuổi có được tiêm vaccine không, ông Tâm cho biết theo quy định của Bộ Y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất, trẻ em đủ 12 tuổi và đủ 17 tuổi, tức dưới 18 tuổi sẽ được tiêm. “Do đó, trẻ không đủ 12 tuổi thì chắc chắn không được tiêm, quy định là quy định” - ông Tâm nói và thông tin những trẻ vượt quá 17 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi vẫn được tiêm vào đợt này. Bên cạnh đó, TP sẽ tổ chức rà soát để tiêm vét, đảm bảo quyền lợi cho trẻ em.

Về việc này, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, đã đề nghị đại diện Sở GD&ĐT TP có mặt tại buổi họp báo trao đổi với các trường, phải thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế là trẻ em đủ 12-17 tuổi mới được tiêm vaccine.

Thông tin thêm về việc tiêm vaccine trên địa bàn TP, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP, cho biết hiện TP đã có kế hoạch và chuẩn bị sẵn số vaccine cho đối tượng là học sinh, sinh viên, công nhân đi từ tỉnh, thành về. Đồng thời tập trung nguồn lực tiêm đủ cho học sinh 12-17 tuổi và đối tượng tiếp theo là trẻ em 3-12 tuổi.

Bà Mai khẳng định trên tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế, TP.HCM sẽ tiêm hết cho tất cả đối tượng chưa được tiêm mũi 1, mũi 2 và những đối tượng trên theo lộ trình. Còn đối với mũi 3, sở đang lập danh sách, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế.

Dự kiến hoàn thành bàn giao lại trường học trong tháng 11

Tại buổi họp báo, ông Trịnh Đình Trọng, Trưởng Phòng công tác chính trị Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết TP hiện còn 236 cơ sở giáo dục phục vụ công tác phòng chống dịch chưa được trao trả. Trong đó có 31 trường THPT. Dự kiến thời gian hoàn thành việc bàn giao là trong tháng 11.

Sở GD&ĐT cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát về tình hình cơ sở vật chất đối với các trường học được trưng dụng phòng chống dịch. Qua đó, đề nghị UBND TP Thủ Đức và quận, huyện phối hợp khẩn trương rà soát, tiến hành sửa chữa, đảm bảo yếu tố an toàn để học sinh đi học lại được an toàn cao nhất. 

Vì sao số ca nhập viện, ca nhiễm tăng lên?

Nhìn nhận về số ca nhập viện, số ca nhiễm mới tăng trong những ngày qua, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết Sở Y tế đang có phần mềm ghi nhận việc này. Theo đó, nguyên nhân thứ nhất là do các cơ sở thu dung, điều trị tại quận, huyện thu gọn, trả mặt bằng cho các trường học nên những bệnh nhân chưa đủ thời gian điều trị tiếp tục đưa vào cơ sở thu dung. Thứ hai, theo lộ trình thu hẹp bệnh viện (BV) dã chiến, thu dung ở địa bàn TP thì bệnh nhân còn lại sẽ chuyển sang các BV, cơ sở khác. “Trong hệ thống, chúng ta ghi nhận các BV báo cáo việc nhận vào bao nhiêu chứ không nói là bệnh nhân cũ” - bà Mai nói.

Còn số ca nhiễm tăng lên, bà Mai giải thích là do các công ty, xí nghiệp, đơn vị, nhà máy bắt đầu hoạt động trở lại. Theo quy trình, các đơn vị này sẽ test nhanh, test định kỳ, khi đó phát hiện một số trường hợp công nhân từ tỉnh trở về dương tính với virus SARS-CoV-2.

Khi phát hiện ca dương tính, nếu đơn vị, xí nghiệp đủ điều kiện thì cách ly F0 tại đây nhưng thực tế đa phần xí nghiệp không đủ điều kiện nên đề xuất đưa vào BV điều trị để an toàn cho công nhân.

Trước lo lắng của người dân về chủng mới của Delta, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết hiện nay TP đã qua đỉnh của đợt dịch thứ tư, bước vào thời kỳ mới của công tác phòng chống dịch, những biện pháp chống dịch cũng đang tiếp diễn.

Ngành y tế TP đang cùng chuyên gia của Bộ Y tế và thế giới tại TP tiếp tục theo dõi diễn biến của chủng mới. Riêng tại TP có cơ sở nghiên cứu tại BV Bệnh nhiệt đới đang nghiên cứu, giải mã gen đối với loại virus này, lấy mẫu chính xác xem biến chủng này xuất hiện tại TP chưa…

Bà Mai khẳng định: “Hiện không có việc nghĩ là dịch đã ổn, tất cả trở lại bình thường mà chúng ta phải đảm bảo 5K tốt, thực hiện các hướng dẫn của ngành y tế, không được chủ quan, lơ là”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm