TP.HCM: Nguy cơ từ chó chạy rông không ai bắt

(PLO)- Người dân lo ngại nạn chó chạy rông nhưng các UBND phường, xã, thị trấn ở TP.HCM không có đội bắt chó này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mặc dù Bộ NN&PTNT quy định UBND phường, xã, thị trấn thành lập các đội chuyên trách để bắt chó chạy rông nhưng hầu như tất cả phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.HCM không thể thực hiện do nhiều yếu tố khách quan.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM hiện không còn đảm trách việc bắt chó chạy rông mà giao cho UBND phường, xã. Ảnh: TRẦN NGỌC

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM hiện không còn đảm trách việc bắt chó chạy rông mà giao cho UBND phường, xã. Ảnh: TRẦN NGỌC

Chó “cắn nát” tình làng xóm

Đưa tay chỉ “sản phẩm” vừa thải ra từ con chó của nhà hàng xóm, bà NTTH (46 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM) nhăn mặt: “Ngày nào chó cũng “ị” trước nhà tôi, chịu không nổi. Cho dù xịt nước và chùi kỹ nhưng không hết mùi hôi”.

Hẻm bà H đang ở chỉ 18 nhà nhưng có tới bốn hộ nuôi chó. Sáng, trưa, chiều cả bốn hộ này thả chó ra ngoài để giải quyết nhu cầu tự nhiên nên “sản phẩm” nằm rải rác con hẻm.

“Cho dù tôi biết chính xác chó nhà ai “ị” trước nhà nhưng chủ chó không chịu nhận. Riết láng giềng chẳng nhìn mặt nhau” - bà H nói.

Bà H phản ánh tới tổ trưởng dân phố nhưng rồi đâu lại vào đấy.

“Hiện tại, không có bất kỳ UBND phường, xã, thị trấn nào thành lập được đội bắt chó chạy rông do nhiều yếu tố khách quan.”

Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM

Bực mình, bà H gọi điện thoại tới Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đề nghị cho người tới bắt mấy con chó chạy rông. Tuy nhiên, nơi đây cho biết bắt chó chạy rông hiện do UBND phường, xã đảm nhận.

“Tôi gọi điện thoại tới UBND phường và chưng hửng khi nhận được câu trả lời: “Phường không có người làm nhiệm vụ bắt chó”. Giờ tôi không biết đơn vị nào phụ trách bắt chó chạy rông” - bà H nói thêm.

Tương tự, ông TVM (42 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng “cạch mặt” vài người hàng xóm chỉ vì mấy con chó.

“Tôi có khu đất trống trồng rau. Do trống trải, thoáng mát nên mấy con chó nhà hàng xóm chọn nơi này làm nơi “giải quyết”. Tôi cũng đã nói chuyện với hàng xóm, phản ánh nhiều nơi nhưng không được giải quyết” - ông M nói.

“Nghe nói Hà Nội lập gần 600 đội bắt chó chạy rông. Tôi cũng mong TP.HCM lập đội bắt chó chạy rông thuộc phường, xã, thị trấn. Hễ thấy con chó nào chạy lông nhông ngoài đường thì “tóm”. Chỉ có như vậy chủ nuôi mới không dám thả chó ra ngoài. Không chỉ là chuyện dơ bẩn mà tôi còn lo ngại chuyện bị chó dại cắn nữa” - ông M nói.

11.000

lượt người dân tại TP.HCM và các tỉnh tới cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM tiêm phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn trong ba tháng đầu năm 2022.

(Nguồn: Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM)

Phường, xã “đầu hàng” việc thành lập đội bắt chó chạy rông

“Đến ngày 1-4-2022, TP.HCM có gần 10.000 hộ nuôi chó, mèo với tổng đàn hơn 176.000 con, giảm 2,25% (trên 4.000 con) so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện vẫn tồn tại tình trạng chủ nuôi thả chó chạy rông ngoài công cộng hoặc chưa bảo đảm vệ sinh môi trường” - ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết.

Trước đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM có đội bắt chó chạy rông. Tuy nhiên, từ năm 2018, thực hiện Thông tư 07/2016 của Bộ NN&PTNT, việc bắt chó chạy rông thuộc thẩm quyền của UBND phường, xã, thị trấn. Sau đó, UBND quận 1 có thành lập đội bắt chó chạy rông trên địa bàn. Tuy nhiên, đội bắt chó này ngưng hoạt động sau một thời gian do nhiều lý do.

“Tới thời điểm hiện tại, không có bất kỳ UBND phường, xã, thị trấn nào thuộc TP.HCM thành lập được đội bắt chó chạy rông do nhiều yếu tố khách quan. Cụ thể không có phương tiện bắt chó, không có nơi nhốt chó, không có lực lượng chuyên môn, không có người có đủ thẩm quyền lập biên bản chó chạy rông tại hiện trường…” - ông Bảo cho biết thêm.

Từ khi hoạt động bắt chó chạy rông chuyển về cho UBND phường, xã, thị trấn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM đã tập huấn công tác bắt chó chạy rông cho TP Thủ Đức, quận 1, 4, 6, 8, 12 và huyện Cần Giờ. Sau đó, các quận, huyện này cũng từng đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM hỗ trợ việc bắt chó chạy rông trên địa bàn.

“Tuy nhiên, hoạt động bắt chó chạy rông trên địa bàn quận, huyện nói trên thưa dần và ngưng hẳn. Trong ba tháng đầu năm 2022, duy nhất huyện Cần Giờ đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM hỗ trợ việc bắt chó chạy rông” - ông Bảo nói.

“Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND TP.HCM “Chương trình phòng chống bệnh dại trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022-2030”. Trong đó, tập trung những giải pháp khống chế và loại trừ bệnh dại trên địa bàn, giải pháp tiêm phòng vaccine, quản lý đàn chó và kiểm soát chó chạy rông” - ông Bảo chia sẻ.•

Bổ sung tiêu chí không thả chó chạy rông trong quy ước

UBND phường sẽ rà soát quy ước cộng đồng dân cư và bổ sung thêm tiêu chí không thả chó chạy rông. Sau đó, tổ dân phố triển khai đến từng người dân trong tổ để thực hiện.

Nếu chủ nuôi không thực hiện đúng, vẫn thả chó chạy rông thì UBND phường phối hợp với cơ quan thú y xử lý đúng quy định.

Ông NGUYỄN VĂN ĐỨC, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM

Đưa tiêu chí thả chó chạy rông vào bình xét gia đình văn hóa

Hằng năm, UBND xã tổ chức bình xét gia đình văn hóa, tổ văn hóa và ấp văn hóa.

Năm nay, nhằm hạn chế tình trạng thả chó chạy rông, UBND xã bổ sung tiêu chí “thả chó chạy rông” để bình xét. Hộ nào thả chó chạy rông sẽ không được bình xét gia đình văn hóa. Tổ nào có nhiều hộ không được bình xét gia đình văn hóa thì không đạt tổ văn hóa. Ấp nào có nhiều tổ không được bình xét tổ văn hóa thì không đạt ấp văn hóa.

ĐỖ THỊ PHƯƠNG TUYỀN, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm