“Hơn 10 triệu dân TP.HCM phải được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn trong dịp Tết nguyên đán 2018 và những ngày sau đó. Do vậy, cơ quan quản lý và UBND các cấp trên địa bàn TP.HCM hợp sức chống thực phẩm bẩn và “xây” thực phẩm an toàn” - bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, nhấn mạnh khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Truy lùng, tiêu hủy thịt thối
Đầu tháng 1-2018, Đội quản lý ATTP chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) phát hiện một xe tải chở 550 kg thịt heo biến chất, bốc mùi… từ tỉnh đưa vào chợ này tiêu thụ. Cơ quan chức năng đã phạt chủ hàng 12 triệu đồng và buộc tiêu hủy.
Sau đó vài ngày, Đội 4 Ban quản lý ATTP TP.HCM phát hiện hai container tại một bãi xe trên địa bàn xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn (TP.HCM) chứa gần 27 tấn phụ phẩm heo có hiện tượng biến chất, ứ huyết, đóng cục, mỡ ngả màu vàng, rỉ dịch, da dính nhiều lông. Tất cả đều không có nguồn gốc rõ ràng.
Chủ nhân lô hàng nói trên là ông Lê Đình Sơn ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Toàn bộ phụ phẩm heo được ông Sơn thu mua từ nhiều nguồn, sau đó chế biến thành giò lụa, giò thủ rồi bán trong dịp Tết. Đoàn kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời đề nghị địa phương giám sát hoạt động chế biến giò lụa, giò thủ của ông Sơn.
Cũng trong ngày này, đoàn kiểm tra ATTP phát hiện cơ sở ông Nguyễn Văn Quảng (4B Trung Mỹ Tây 13, khu phố 3, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM) sử dụng hóa chất để biến lòng đen thành trắng rồi mang đi tiêu thụ. Điều đáng nói là toàn bộ lòng đen không chứng từ, bốc mùi hôi. Trước chứng cứ không thể chối cãi, ông Quảng làm đơn tự nguyện tiêu hủy hơn 2,2 tấn lòng thối.
Đoàn kiểm tra đang xem xét nguồn gốc rau tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC
Mang heo “dính” thuốc an thần đi tiêu hủy. Ảnh: TRẦN NGỌC
“Từ đầu năm 2018 đến nay, ba đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm TP.HCM phát hiện tám trường hợp vận chuyển thịt từ các tỉnh vào TP.HCM tiêu thụ nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch” - ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết.
“Chưa hết, bốn trạm kiểm dịch động vật cửa ngõ TP.HCM (Thủ Đức, Xuân Hiệp, Hóc Môn, An Lạc) cũng xử lý 10 trường hợp vận chuyển thịt từ các tỉnh vào TP.HCM không giấy kiểm dịch, phương tiện vận chuyển không đảm bảo vệ sinh thú y” - ông Nguyên cho biết thêm.
Cụ thể, ngày 5-1, đoàn kiểm tra phát hiện ông Mai Xuân Minh (Bà Rịa-Vũng Tàu) chở hàng trăm ký thịt heo từ Đồng Nai vào TP.HCM tiêu thụ nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Ngoài phạt 7 triệu đồng, đoàn kiểm tra còn buộc ông Minh phải kiểm dịch lại toàn bộ lô hàng. Khi kết quả đạt mới cho phép tiêu thụ.
Qua ngày 6-1, đoàn kiểm tra phạt ông Nguyễn Văn Mừng (Vĩnh Long) 1,5 triệu đồng do sử dụng xe không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y để vận chuyển thịt từ Long An vào TP.HCM.
Mới đây, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện 63 con heo có nguồn gốc từ Tiền Giang đưa vào TP.HCM giết mổ “dính” thuốc an thần. Cơ quan chức năng buộc chủ hàng tiêu hủy toàn bộ số heo.
Soi kỹ thực phẩm Trung Quốc
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết một số mặt hàng của Trung Quốc (TQ) như tỏi, hành củ, cải bông, lê, táo, quýt… cũng được tiểu thương đưa vào chợ kinh doanh trong những ngày tết. “Rau củ TQ được chợ giám sát và kiểm tra rất kỹ. Ngoài kiểm tra hồ sơ đi kèm lô hàng để chứng minh nguồn gốc, chợ còn lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên” - ông Dũng nói.
Tương tự, đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền cho biết khoai tây, táo, quýt… TQ là những mặt hàng không thể thiếu trong chợ vào những ngày Tết. “Chợ chủ động phối hợp với Ban quản lý ATTP TP.HCM kiểm tra chặt những mặt hàng này. Ngoài lấy mẫu xét nghiệm, chợ còn tuyên truyền tiểu thương kinh doanh mặt hàng TQ phải thực hiện các điều kiện đảm bảo ATTP” - vị này nói.
Ngoài củ và trái cây, một số thực phẩm TQ như bánh, kẹo, mứt… cũng sẽ được bày bán tại các chợ truyền thống. Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Chủ tịch UBND quận 12 (TP.HCM), cho biết trên địa bàn quận có khá nhiều chợ truyền thống do quận và các phường quản lý. “Ngoài giám sát các loại thực phẩm bày bán trong chợ phục vụ Tết, UBND quận cũng chỉ đạo ban quản lý các chợ tập trung kiểm tra bánh, kẹo, mứt… của TQ, thường xuyên lấy mẫu xét nghiệm. Nếu phát hiện thực phẩm TQ không có hồ sơ chứng từ, ban quản lý chợ đề xuất xử phạt đúng quy định” - ông Tú nói.
Kiểm soát chặt, đảm bảo thực phẩm an toàn
Bà Đặng Thị Phương Ninh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết ngày Tết lượng hàng do công ty cung cấp cho thị trường tăng lên khá nhiều. “Do vậy, ATTP là vấn đề công ty đặt lên hàng đầu để người tiêu dùng được hưởng cái Tết trọn vẹn, không lo sợ bị ngộ độc” - bà Ninh nói.
Theo bà Ninh, những trang trại nuôi heo liên kết với Vissan phải thực hiện đúng các tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) và tiêu chuẩn riêng của Vissan. “Chưa hết, heo trước khi đưa vào giết mổ được Vissan xét nghiệm nhanh chỉ tiêu chất cấm. Bên cạnh đó, Vissan còn gửi mẫu nước tiểu cho Chi cục Thú y TP.HCM kiểm định hàm lượng kháng sinh và thuốc an thần. Hệ thống giết mổ của Vissan đạt tiêu chuẩn HACCP (phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), do vậy thịt heo đưa ra thị trường luôn an toàn” - bà Ninh khẳng định.
Nhu cầu tiêu thụ lạp xưởng, xúc xích, giò thủ, giò chả… trong những ngày Tết cũng rất cao. Những mặt hàng nói trên ít nhiều sử dụng phụ gia thực phẩm. “Vissan đang hướng tới việc sử dụng phụ gia tự nhiên được chế xuất từ thực vật. Điều này khiến chất lượng thực phẩm được nâng cao” - bà Ninh cho biết.
Với thế mạnh về rau, củ quả, bà Vũ Tuyết Hằng, Tổng Giám đốc Công ty VinEco (thương hiệu nông nghiệp thuộc Tập đoàn Vingroup), cho biết gần 200 mặt hàng rau, củ quả của VinEco sẽ được đưa ra thị trường Tết nguyên đán 2018.
Bà Hằng cho biết VinEco liên kết với gần 1.000 hộ dân trồng rau, củ quả. VinEco buộc các hộ này cam kết thực hiện đúng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalG.A.P. (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). VinEco luôn lấy mẫu rau, củ quả của các hộ dân trồng để xét nghiệm. Nếu phát hiện tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, VinEco cắt hợp đồng và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm. “Không chỉ vậy, VinEco còn trang bị dụng cụ chứa đựng rau, củ quả cho các hộ dân để chất lượng sản phẩm luôn an toàn khi đến tay người tiêu dùng” - bà Hằng nói thêm.
Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN, Trưởng Ban quản lý ATTP TP.HCM: Làm hết sức để có cái Tết an toàn! Trong những ngày Tết cổ truyền, theo phong tục hầu hết mỗi gia đình Việt Nam có nồi thịt kho trứng, canh khổ qua dồn thịt, dưa giá ngâm chua. Ngoài ra, nhà nào cũng có mâm trái cây thờ gia tiên, bánh mứt đãi khách, bia rượu tiếp bạn… Có một tồn tại đáng buồn là khi nhắc tới thịt heo thì không ít người vẫn còn nghĩ tới tồn dư chất cấm, thuốc an thần. Nói đến rau, củ quả vẫn có người ngần ngại dư lượng thuốc trừ sâu… Đây thực sự là tình trạng “báo động đỏ” về ATTP và buộc cơ quan chức năng phải kiên quyết vào cuộc ngăn chặn thực phẩm mất an toàn để mỗi gia đình có cái Tết trọn vẹn. Với trách nhiệm của mình, Ban quản lý ATTP TP.HCM tăng cường kiểm tra rau, củ quả, thịt, tôm, cá… từ các tỉnh đưa vào hai chợ đầu mối và những cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm. Đồng thời lấy mẫu xét nghiệm và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. Ban cũng chú ý tới những mặt hàng thực phẩm nhập khẩu và kiểm tra kỹ giấy tờ, hồ sơ nguồn gốc. TP.HCM hiện có gần 240 chợ truyền thống. Nơi đây buôn bán tất cả mặt hàng phục vụ Tết. Theo phân cấp, chợ truyền thống thuộc sự quản lý của UBND quận, huyện và phường, xã. Do vậy, Ban quản lý ATTP đề nghị các địa phương giám sát chặt thực phẩm kinh doanh tại chợ. Địa phương nào buông lỏng quản lý, để thực phẩm không nguồn gốc, mất an toàn kinh doanh trong chợ thì ban sẽ báo cáo UBND TP.HCM. Ngoài rau, củ quả, thịt…, rượu thủ công cũng là mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong những ngày Tết. Tôi mong muốn mọi người hạn chế sử dụng rượu này vì nguy cơ ngộ độc rất cao do chất lượng không đảm bảo. Về phần mình, Ban quản lý ATTP cũng sẽ giám sát các hộ nấu rượu thủ công và lấy mẫu xét nghiệm. Chưa hết, do nhu cầu sử dụng thịt heo trong những ngày Tết tăng cao nên heo giết mổ lậu cũng sẽ tăng theo. Nguy cơ mất an toàn từ thịt heo giết mổ lậu rất cao. Do vậy, Ban quản lý ATTP “bắt tay” cùng Chi cục Thú y và UBND địa phương giám sát chặt hoạt động này. Nếu phát hiện cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không an toàn, mọi người có thể gọi đường dây nóng cho Ban quản lý ATTP TP.HCM qua số điện thoại 028.39301714. |
Ông PHAN HOÀN KIẾM, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương TP.HCM: Xử nghiêm với hàng gian, hàng giả Với trách nhiệm của mình, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng sẽ tập trung kiểm tra các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết được sản xuất trong nước, kể cả nhập khẩu. Một khi phát hiện hàng gian, hàng giả, hàng không đạt điều kiện ATTP, chi cục xử lý nghiêm, đúng pháp luật. Ông KHƯƠNG TRẦN PHÚC NGUYÊN, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y, Sở NN&PTNT TP.HCM: Chi cục Thú y phối hợp với CSGT để chặn thịt bẩn Hiện nay, không ít trường hợp vận chuyển thịt từ các tỉnh vào TP.HCM né bốn trạm kiểm dịch động vật cửa ngõ và đi trên các tuyến đường cao tốc, đường nhỏ. Đa phần thịt được vận chuyển trên xe khách, chất lượng không an toàn, thậm chí biến chất. Trong những ngày Tết, chắc chắn thịt không nguồn gốc từ các tỉnh sẽ lén lút đưa vào TP.HCM nhiều hơn. Để ngăn chặn thực trạng trên, Chi cục Thú y TP.HCM phối hợp với CSGT và quản lý thị trường chốt chặn tại những tuyến đường xe khách lưu thông và đường cao tốc để kiểm tra nếu nghi ngờ. Đối với những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM, lượng heo sống từ tỉnh đưa vào giết mổ tăng lên rất nhiều. Để ngăn chặn heo chứa tồn dư chất cấm, thuốc an thần từ tỉnh đưa vào giết mổ, Chi cục Thú y TP.HCM tăng cường lực lượng kiểm tra. Phát hiện nghi ngờ, chi cục lấy mẫu xét nghiệm và xử lý nghiêm. Ông NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM: Thường xuyên kiểm tra thức ăn đường phố Mặc dù thiếu nhân sự, chủ yếu là kiêm nhiệm nhưng UBND phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân, TP.HCM) vẫn tập trung đợt cao điểm kiểm tra và xử lý các sai phạm ATTP trên địa bàn giai đoạn trước Tết. Trên địa bàn phường có khoảng 300 cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm lớn nhỏ. UBND phường phối hợp cùng đoàn liên ngành ATTP của quận giám sát, kiểm tra và xử phạt. Điều đáng nói là trên địa bàn phường còn khá nhiều điểm kinh doanh thức ăn đường phố. Ngày Tết, không ít người thích ăn hủ tiếu, phở, bánh canh, bún riêu, cơm tấm… nên UBND phường cũng kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, điều kiện ATTP tại các điểm bán thức ăn đường phố. Ông NGUYỄN TIẾN DŨNG, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn: Kiểm soát chặt chất lượng thực phẩm Lượng rau, củ quả và thịt heo trong những ngày Tết đưa vào chợ đầu mối Hóc Môn tăng từ 80% đến 100%. Do nguồn thực phẩm tại chợ này sẽ được cung cấp cho các chợ truyền thống TP.HCM và các tỉnh nên đòi hỏi nghiêm ngặt về ATTP để tránh xảy ra ngộ độc hàng loạt. Chính vì vậy, chợ đầu mối Hóc Môn chủ động phối hợp với Ban quản lý ATTP TP.HCM lấy mẫu tất cả rau, củ quả, thịt xét nghiệm. Chợ sẽ tập trung chú ý các mặt hàng có nguy cơ sử dụng màu, hàn the và phụ gia bảo quản như ớt xay, sả xay, tỏi xay, măng ngâm chua, rau muống bào… Trong năm 2017, chợ lấy tổng cộng 88 mẫu thực phẩm xét nghiệm. Kết quả duy nhất một mẫu thịt bị nhiễm vi sinh. Bà VÕ THỊ HẢI, 200 Lê Văn Thịnh, phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM: Mong có thực phẩm sạch để đón Tết Tết nguyên đán mỗi năm có một lần. Do đó tôi chuẩn bị tươm tất các món ăn để dùng trong gia đình và đãi khách. Thịt, cá, giò lụa, bánh mứt, rau, trái cây… không thể thiếu trong nhà chúng tôi cũng như những gia đình khác. Vì vậy, tôi mong muốn chất lượng những mặt hàng này luôn đảm bảo để mọi người an tâm khi dùng. |