Phòng GD&ĐT quận Tân Phú (TP.HCM) vừa có thông báo tuyển dụng 225 giáo viên (GV) vào các trường mầm non, tiểu học, THCS. Theo đó, bậc mầm non cần tuyển 20 GV, ba nhân viên; bậc tiểu học tuyển 126 GV, 24 nhân viên; bậc THCS tuyển 79 GV, nhân viên. Tiêu chuẩn tuyển dụng không phân biệt ứng viên tốt nghiệp loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ.
Nhu cầu tuyển dụng cao
Ông Đoàn Minh Cẩn, Phòng GD&ĐT quận Phú Nhuận, cho biết để bổ sung nhu cầu về GV, nhân viên tại các trường công lập trên địa bàn quận, năm học này quận Phú Nhuận dự kiến tuyển dụng 88 GV và chín nhân viên.
Riêng quận 2, năm nay ngành giáo dục cần bổ sung 68 vị trí (gồm 65 GV và ba nhân viên), ứng viên chỉ được đăng ký dự tuyển vào một vị trí tại một đơn vị, nếu đăng ký dự tuyển cùng một vị trí tại hai đơn vị khác nhau sẽ bị xóa tên trong danh sách dự tuyển hoặc hủy kết quả xét tuyển.
Trong khi đó, Sở GD&ĐT quản lý 129 đơn vị trực thuộc, năm học 2019-2020 ngành giáo dục TP sẽ đưa vào hoạt động bốn trường THPT trên địa bàn quận 9, quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh. Do đó, Sở GD&ĐT tuyển dụng 531 viên chức, trong đó 443 GV THPT và 88 nhân viên. Trong đó có 82 GV tiếng Anh, 61 GV ngữ văn, 54 GV toán nhưng chỉ tuyển thêm một GV mỹ thuật và một GV âm nhạc.
Do đây là năm thứ hai ngành giáo dục TP.HCM bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng viên chức nên số lượng ứng viên dự tuyển tăng đột biến với hơn 1.700 hồ sơ. Theo ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT TP.HCM, việc bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng viên chức ngành giáo dục sẽ giúp có được nguồn tuyển lớn, chất lượng. Năm học 2018-2019 vừa qua, ứng viên không có hộ khẩu TP.HCM được tuyển dụng chiếm tỉ lệ khoảng 40%.
Các ứng viên tham dự vòng 2 đợt tuyển dụng viên chức ngành giáo dục TP.HCM vào sáng 18-7. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Từng bước giao quyền tự chủ
Tới thời điểm này, một số quận, huyện trên địa bàn TP đã giao quyền tự chủ tuyển dụng cho các đơn vị. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, cho hay quận đã giao quyền tự chủ cho các trường từ ba năm nay. Qua những bỡ ngỡ ban đầu, đến nay các trường đã thực hiện tốt việc này, tìm được những ứng viên phù hợp với nhu cầu.
Năm nay, Sở GD&ĐT tiếp tục phân cấp tuyển dụng viên chức đối với 22 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Cụ thể là Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn, Trường Mầm non TP, Trường Mầm non 19/5 TP, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM. “Riêng với bậc THPT, năm học này Sở tiếp tục giao quyền trực tiếp tuyển dụng cho Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa” - ông Long cho biết thêm.
Trước đó, theo lộ trình, trong năm học 2019-2020, Sở sẽ phân cấp trách nhiệm tuyển dụng GV, nhân viên tại ba trường theo mô hình tiên tiến là Trường THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Du và THPT Nguyễn Hiền. Tuy nhiên, đến thời điểm này ba trường nói trên vẫn chưa thực hiện được.
“Tại hội nghị sơ kết, ba trường đã đề nghị Sở lùi lại việc này một năm để có điều kiện học tập thêm kinh nghiệm của các trường đã thực hiện. Năm nay việc tuyển dụng được thực hiện theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng viên chức. Nghị định có nhiều điểm mới khiến lãnh đạo các trường chưa yên tâm nên trước kiến nghị trên, Sở tạm dừng phân cấp tuyển dụng đối với cả ba trường” - ông Long giải thích.
Cũng theo ông Long, Trường THPT Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa vẫn sẽ tiếp tục thực hiện, phân cấp tuyển dụng. Tuy nhiên, dù đã trao quyền nhưng hai trường vẫn phải xây dựng kế hoạch gửi lên Sở để duyệt. “Trong quá trình thực hiện, Sở sẽ cử người xuống trường hướng dẫn cụ thể, dù trao quyền nhưng vẫn giám sát” - ông Long nói.
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, thừa nhận có một số khó khăn nếu trường được phân cấp tuyển dụng. “Chỉ tuyển dụng một người trường cũng phải lập hội đồng, tốn rất nhiều thời gian và kinh phí. Vì vậy, Sở GD&ĐT cũng như TP đang tính toán sao cho quá trình thực hiện việc này tại trường thuận lợi nhất. Nếu được trao quyền, dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của Sở GD&DT, chúng tôi vẫn làm được” - ông Thạch khẳng định.
Tương tự, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, chắc chắn: “Khi được Sở giao quyền, tôi tự tin sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao. Để chọn được nhân sự giỏi, tôi sẽ tổ chức sát hạch nghiêm túc, nhận mọi trách nhiệm nếu tuyển dụng sai”.
Cần cơ chế giám sát Việc giao quyền tự chủ cho các trường là một chủ trương tốt. Với những hiệu trưởng có năng lực, đây sẽ là cơ hội để họ chủ động từ khâu điều hành, quản lý, tuyển và sử dụng người. Nhưng thực tế hiện nay vẫn còn không ít hiệu trưởng chưa tạo được niềm tin đối với đội ngũ GV và học sinh nên việc giao quyền tự chủ dễ phát sinh tiêu cực. Chủ trương là tốt nhưng cần phải cẩn trọng, có lộ trình thực hiện. Lãnh đạo Sở phải nắm được ai là người có thể giao quyền tự chủ. Bên cạnh đó cần có cơ chế kiểm tra, giám sát giúp các hiệu trưởng làm tròn trách nhiệm, kịp thời ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực. Thậm chí cần phải có sinh hoạt tập huấn và văn bản quy định về mặt pháp lý để nếu có vi phạm nhỏ cần uốn nắn khắc phục, nếu cố tình vi phạm phải có chế tài, xử lý nghiêm minh. Ông NGUYỄN VĂN NGAI, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |