Sáng 2-12, đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT TP.HCM về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho biết bộ sách giáo khoa (SGK) riêng của TP.HCM do Sở phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn theo khung chương trình mới và đã được Bộ GD&ĐT đồng ý chủ trương từ tháng 4-2015.
Theo ông Hiếu, bộ SGK mới này đã được xây dựng khẩn trương và thận trọng trong hơn một năm qua. Công việc biên soạn được thực hiện bởi đội ngũ các chuyên gia, học giả hàng đầu của TP và những giáo viên giỏi, năng động, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, có nhiều kinh nghiệm trong việc biên soạn các bộ sách tham khảo.
SGK riêng của TP.HCM sẽ khắc phục các nhược điểm của những bộ sách trước đó như kiến thức nặng tính hàn lâm, xa rời thực tiễn… Ảnh: HTD
Nói về nội dung của bộ SGK mới, ông Hiếu cho biết bộ sách này sẽ vẫn bảo đảm các quy chuẩn kiến thức, kỹ năng, bám sát khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, SGK mới sẽ khắc phục các nhược điểm của những bộ sách trước đó như kiến thức nặng tính hàn lâm, xa rời thực tiễn. Sách sẽ tinh giản về mặt kiến thức nhưng hiện đại và có tính ứng dụng cao. Về hình thức, sách cũng được cải tiến để tạo hứng thú cho học sinh.
SGK mới sẽ chú trọng dạy để học sinh hiểu và làm, không đặt nặng việc học thuộc lòng. Kết hợp giữa dạy chữ và dạy người, rèn luyện khả năng tự học và vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống.
Đặc biệt, bộ SGK mới sẽ đưa vào nhiều hơn những nội dung sát với đặc thù riêng của TP về lịch sử, địa lý, văn hóa, con người, kinh tế,… chú ý đến phương ngữ vùng, miền. Đồng thời, tích hợp các chủ đề gắn với thực tiễn cuộc sống của TP.HCM và các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Ngoài ra, hoạt động giáo dục địa phương sẽ được giảng dạy bằng SGK lịch sử TP.HCM và lịch sử Đảng bộ Sài Gòn Gia Định - TP.HCM và chủ đề dạy học trong hoặc các hoạt động trải nghiệm thực tiễn ngoài nhà trường.
Theo Sở, nội dung chương trình chi tiết của SGK mới được sắp xếp theo các chủ đề, chủ điểm, không quy định cụ thể thành từng tiết mà phân bố thành từng chủ đề thực hiện trong một số tiết. Như thế sẽ giúp giáo viên chủ động hơn trong việc sắp xếp chương trình sao cho phù hợp với thực tiễn lớp học, thực tiễn về phát triển công nghệ thông tin, khả năng tiếp cận kiến thức của học sinh.
Theo thông tin trước đó của Sở GD&ĐT TP, chương trình cấp học sẽ được xây dựng theo hướng mở với một số môn học bắt buộc (văn - tiếng Việt, toán, ngoại ngữ) và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học tối đa chỉ nên là tám môn trong một năm.
Phía Sở cũng cho rằng hiện công tác chuẩn bị mọi mặt về đội ngũ, nội dung, kỹ thuật… đã hoàn tất. Tuy nhiên, TP đang rất mong chờ Bộ GD&ĐT công bố chương trình khung mới có thể tiến hành công tác biên soạn.
Dự kiến bộ SGK riêng của TP.HCM sẽ đưa vào thử nghiệm ở quy mô hẹp từ năm học 2016-2017, tiếp tục mở rộng hơn từ năm học 2017-2018 và có thể sử dụng chính thức từ năm học 2018-2019. |
Cũng tại buổi họp, Sở GD&ĐT TP đã đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét đề xuất việc TP.HCM được tự tổ chức xét và công nhận tốt nghiệp THPT không phụ thuộc vào tiến độ đề án phát triển GD&ĐT TP. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thành phố triển khai việc đổi mới dạy-học theo hướng phát triển năng lực học sinh. Trước đó, vào tháng 9-2016, UBND TP đã có tờ trình gửi Bộ GD&ĐT đề nghị thông qua đề án thi và xét tốt nghiệp THPT tại TP.HCM từ năm 2017. Tuy nhiên, ngày 3-10, Bộ GD&ĐT đã có công văn trả lời rằng sẽ xem xét đề xuất trên khi thông qua đề án phát triển GD&ĐT TP.HCM đến năm 2030. |