TP.HCM ‘thay áo’, chỉnh trang khu trung tâm

(PLO)- TP sẽ lập quy hoạch 1/500 khu Công viên Bến Bạch Đằng, làm cảnh quan bờ sông khu Thủ Thiêm, mái che nghệ thuật phố đi bộ Nguyễn Huệ, chỉnh trang cây xanh Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi về các phương án chỉnh trang khu vực trung tâm TP.

Quy hoạch Công viên Bến Bạch Đằng, trục đường Nguyễn Huệ

Theo đó, với những khu vực được xem là “mặt tiền” của TP, ông Mãi giao Sở QH-KT TP chủ trì, phối hợp với Sở GTVT TP, UBND quận 1 và các đơn vị liên quan căn cứ đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930 ha) để triển khai lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu Công viên bến Bạch Đằng.

Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng căn cứ trên cơ sở đã lấy ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan và đại diện các đơn vị tham dự cuộc họp để nghiên cứu thêm và bổ sung cơ sở lập luận đối với phương án đề xuất thay thế cây trồng phù hợp tại Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, báo cáo Ban cán sự Đảng UBND TP thống nhất cho ý kiến.

Quy hoạch 1/500 này sẽ bao gồm định hướng phát triển giao thông, quy hoạch xây dựng không gian trên mặt đất và phát triển không gian ngầm. Quá trình nghiên cứu cần đề xuất tương quan khu vực hai bên bờ sông Sài Gòn giữa Công viên bến Bạch Đằng và quảng trường công viên bờ sông của khu đô thị mới Thủ Thiêm. Các đơn vị liên quan được yêu cầu lựa chọn các vị trí để làm cầu bộ hành kết nối với Công viên bến Bạch Đằng từ đường Nguyễn Huệ.

“Đối với đề xuất bổ sung vị trí các hầm đi bộ kết nối với Công viên bến Bạch Đằng và phát triển không gian ngầm tại khu vực này, giao Sở QH-KT TP chủ trì, phối hợp với Sở GTVT TP và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất cụ thể trong quá trình lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu Công viên bến Bạch Đằng” - ông Mãi kết luận.

Ông Mãi cũng giao Sở QH-KT TP phối hợp với UBND quận 1 nghiên cứu đề xuất phương án tạo bóng mát vào ban ngày để phục vụ người dân và du khách tại tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ và Công viên bến Bạch Đằng. Các bên cần nghiên cứu nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp thiết kế loại hình mái che căng bạt nghệ thuật kết hợp chiếu sáng mỹ thuật vào ban đêm.

Công viên Bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Công viên Bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thành lập ban quản lý khu vực trung tâm

Về khu vực quan trọng trước cửa chợ Bến Thành, ông Mãi giao Ban đường sắt đô thị TP, Sở Công Thương TP, UBND quận 1 phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND TP về việc di dời hai trạm xăng dầu trước chợ Bến Thành. Sau đó hoàn trả mặt bằng để Sở GTVT TP tổ chức phân luồng giao thông theo đúng phương án thiết kế tổng thể cảnh quan khu vực trước chợ.

UBND quận 1 được yêu cầu khẩn trương lập kế hoạch triển khai thực hiện hoàn chỉnh các hạng mục theo phương án thiết kế tổng thể cảnh quan khu vực trước chợ và công tác cải tạo chỉnh trang chợ Bến Thành, báo cáo kết quả cho UBND TP.

Ngoài ra, ông Mãi cũng cơ bản thống nhất chủ trương tổ chức phố đi bộ tại khu vực Hồ Con Rùa (quận 3). Phố đi bộ này sẽ kết nối từ một phần trục đường Trần Cao Vân, Võ Văn Tần - vòng xoay Công trường Quốc Tế - đường Phạm Ngọc Thạch đến đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Về đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ trong khu vực trung tâm TP, ông Mãi giao UBND quận 1 tiếp thu ý kiến góp ý của đại diện các đơn vị; khẩn trương cập nhật bổ sung, hoàn chỉnh nội dung nghiên cứu đề án tiếp nhận, quản lý và khai thác khu vực trung tâm.

“Trong đó, cần làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý đề xuất thành lập mới ban quản lý khu vực trung tâm. Cần xem xét phạm vi hoạt động; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, nhân sự… của ban này gắn với cơ chế tạo nguồn thu từ các hoạt động kinh tế nhằm duy trì và phát triển đa dạng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch gắn với phố đi bộ” - ông Mãi chỉ đạo.

Đồng thời, theo chủ tịch UBND TP, các bên cần nghiên cứu, tham khảo các mô hình tương tự ở trong nước và nước ngoài; tính toán việc thành lập mới ban quản lý khu vực trung tâm theo giai đoạn (giai đoạn đến năm 2025 và sau năm 2025) để từng bước hoàn thiện mô hình.•

Cần thi tuyển kiến trúc

Tôi thấy khu vực trung tâm cần làm các công trình nghệ thuật như mái che nghệ thuật vì khu này là khu du lịch, khu số 1 của TP. Chúng ta cũng nên có sự trình diễn về năng lực văn hóa, năng lực nghệ thuật của TP. Tuy nhiên, nếu làm thì cần công trình có chất lượng cực cao, tạo dấu ấn, tạo ấn tượng cho du khách nhớ chứ đến khu trung tâm mà không có gì về nghệ thuật để nhớ thì cũng cần suy nghĩ lại.

Về chỉnh trang khu trung tâm, chúng ta phải làm sao để bộ mặt TP giữ được sự đặc trưng, cũng như lịch sử của TP. TP nên có cuộc thi về kiến trúc để có thêm ý tưởng cho việc chỉnh trang khu trung tâm. Vì đây là khu vực quan trọng, các phương án chỉnh trang có thể có nhiều ý kiến khác nhau, có cả ý kiến trái chiều như nhà hát hình con sò ở Úc (Nhà hát Opera Sydney) lúc đầu cũng có nhiều người phản đối nhưng sau nó thành công trình dấu ấn của TP này.

Ông VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM

Thiết kế cần hài hòa cảnh quan

Tôi ủng hộ các giải pháp làm mái che, vì trung tâm đi bộ hay phố đi bộ cần phải có mái che. Ở nước ngoài họ đã làm hết rồi, như ở Singapore với những con đường nhỏ họ làm mái che kín luôn.

Các giải pháp tổ chức phố đi bộ, thế giới đều đã làm, còn về chỉnh trang “bộ mặt” khu trung tâm thì chúng ta cần làm nhanh hơn, cần có nhiều sáng kiến hơn. Tất nhiên nguyên tắc khi thiết kế thì phải hài hòa cảnh quan vì trong khu vực trung tâm quan trọng. Việc chỉnh trang khu trung tâm cũng là để thu hút du khách hơn. Nếu không chỉnh trang, chúng ta sẽ mất du khách khi họ đi các nước khác có nhiều cảnh quan đẹp hơn, nghệ thuật hơn.

Ông KHƯƠNG VĂN MƯỜI, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm