“Sở Tài chính TP đã tham mưu Trưởng Ban chỉ đạo 167 (của UBND TP) phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 510 địa chỉ nhà, đất (diện tích hơn 1,2 triệu m2); trong đó thực hiện thu hồi 35 địa chỉ nhà đất (diện tích gần 288.000 m2) do cơ quan, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng”, báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM”, trong đó có việc thu hồi các địa chỉ nhà đất của Sở TN&MT TP nêu.
Sắp xếp, xử lý tài sản công trên địa bàn TP
Việc sắp xếp, xử lý, thu hồi các địa chỉ nhà đất trên, theo Sở TN&MT TP là thực hiện theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15-7-2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Ngoài sắp xếp nhà đất, Sở TN&MT TP cũng thông tin về việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai ở TP trong các năm qua. Cụ thể, trong năm 2024, cơ quan chức năng đã ban hành kế hoạch thanh tra, thanh tra chuyên ngành đất đai đối với tổ chức sử dụng đất trên địa bàn TP. Từ đầu năm đến tháng 6-2024, đã ban hành 72 quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền là trên 2,2 tỉ đồng.
Năm 2023, tổng số vi phạm đất đai là 158 vụ với tổng số tiền phạt hơn 18,3 tỉ đồng, trong đó Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP đã ban hành 153 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt là hơn 15 tỉ đồng (buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp hơn 13 tỉ đồng).
Năm 2021-2022: Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP đã ban hành 232 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền là gần 13 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu ở lĩnh vực đất đai được nhận diện gồm: chậm đăng ký biến động đất đai, chậm cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, căn hộ trong dự án kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, trong nhiều năm qua, TP cũng đã thực hiện tiếp 3.221 lượt công dân, giải quyết 1.660 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo về đất đai, tham mưu thực hiện 34/34 dự án theo kết luận thanh tra.
TP.HCM đã cấp gần 1,4 triệu sổ hồng
Về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất, Sở TN&MT TP cho biết, đã cấp hơn 1,395 triệu sổ hồng, trong đó có 25.567 sổ cấp lần đầu (dự kiến đến năm 2025, TP sẽ cấp được hơn 1,8 triệu sổ hồng).
Ngoài ra, Sở TN&MT TP đã ban hành Kế hoạch số 3981/KH-STNMT-VP tháng 5-2023 triển khai thực hiện các nhóm giải pháp tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ về việc cấp sổ hồng.
Theo đó, có sáu nhóm khó khăn, vướng mắc (đang còn vướng mắc về pháp lý; đang chờ xác nhận nghĩa vụ tài chính; các doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ cấp giấy; vướng mắc về loại hình bất động sản mới, thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung và nhóm vướng mắc khác) với 81.085 sổ hồng cần giải quyết. Với kế hoạch này, đến nay, số sổ hồng đã cấp cho người mua nhà tại các dự án khoản 22.147 căn nhà.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định quy định về hệ số điều chỉnh giá đất và Quyết định quy định về hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi năm 2023, 2024 trên địa bàn TP.
Đồng thời, đã trình UBND TP kế hoạch sửa đổi, bổ sung bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025, báo cáo UBND TP không tham mưu, xây dựng bảng giá đất theo Nghị quyết 98/2023/QH15 .
“Đối với hồ sơ giá đất cụ thể, đã tham mưu 119 dự án; tham mưu xác định giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư 135 dự án”, báo cáo của Sở TN&MT TP nêu rõ.
5 hạn chế của của công tác quản lý đất đai
Thứ nhất, trong quá trình thực hiện đề án, nhìn chung các sở, ngành và UBND quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp tương đối tốt, tuy nhiên, tiến độ thời gian có lĩnh vực còn chậm do đó kết quả của đề án chưa hoàn thành đồng bộ.
Thứ hai: Một số nội dung công việc triển khai theo kế hoạch chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện, cần nghiên cứu, đề xuất chính sách nên đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc triển khai thực hiện đề án quản lý đất đai trong thời gian qua còn chậm.
Thứ ba: Những khó khăn, vướng mắc về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như các thủ tục chuẩn bị để dự án được triển khai còn chậm.
Thứ tư: Cơ sở dữ liệu mới bước đầu được xây dựng ở một số đơn vị riêng lẻ, còn phải từng bước cập nhật và đồng bộ số liệu, sau đó mới liên thông đến các đơn vị cùng sử dụng. Hiện khối lượng hồ sơ đất đai nhiều, chưa được cập nhật, số hóa nên việc thụ lý giải quyết hồ sơ, quản lý còn thủ công, mất nhiều thời gian lục tìm hồ sơ để xử lý.
Thứ năm: Luật Đất đai năm 2024 vừa được ban hành, các công tác theo kế hoạch đề ra cần cập nhật, nghiên cứu để phù hợp theo quy định mới nên có một số công tác còn bị chậm.