TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 tới 1-8: Nhiều giải pháp mạnh

Chiều 23-7, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTBC

Đạt nhiều kết quả nhưng chưa đủ mạnh

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết qua 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TP nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân, toàn bộ hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở đều tham gia vào công tác phòng chống dịch bằng nhiều hình thức.

Theo ông Đức, trong thời gian cách ly xã hội, TP đã thúc đẩy xét nghiệm tầm soát diện rộng, phát hiện được nhiều ca dương tính, đồng thời xác định khoanh vùng, phong tỏa nhiều khu vực, hạn chế lây lan diện rộng.

TP cũng hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chăm lo cho người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa, bệnh viện… Đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để cung ứng hàng hóa cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá...

Tuy nhiên, ông Đức nhìn nhận mặc dù TP đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao; đa số là tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế.

“Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ có nơi, có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn TP” - ông Đức nói.

Ngăn chặn lây lan trong vùng đỏ, giữ vùng xanh 

Quan điểm của tôi không phải truy bắt F0 mà chính là test nhanh vùng đỏ, làm sao xử lý để không lây lan trong vùng đỏ và giữ được vùng xanh. Cần phải tập trung vào những vùng trọng tâm, trọng điểm, tìm ra F0 chính là để vùng đỏ trở nên xanh lại. Còn vùng vàng, vùng xanh nếu phát hiện người mắc thì tập trung vào khu cách ly chứ lo hết cho toàn xã hội thì số ca F0, F1 rất nhiều, năng lực không đáp ứng được.

Phó Thủ tướng thường trực TRƯƠNG HÒA BÌNH

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với giải pháp mạnh hơn

Về phương hướng trong thời gian tới, ông Dương Anh Đức thông tin thực hiện Chỉ thị 12 của Thành ủy TP.HCM ngày 22-7, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16 đến ngày 1-8 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch.

Đồng thời giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỉ lệ tử vong.

Theo ông Đức, đối với các biện pháp tăng cường tổng thể, TP.HCM sẽ thu hẹp diện các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện cách ly toàn TP.

Cụ thể, TP sẽ tạm dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động của các công trường, công trình xây dựng, giao thông chưa thật sự cấp bách. Ngân hàng, chứng khoán bảo đảm hoạt động mức độ duy trì công suất để cung ứng kịp thời dịch vụ cần thiết, riêng đối với các chi nhánh hoặc phòng giao dịch, có thể hoạt động luân phiên, bố trí nhân sự làm việc trực tiếp theo ca kíp, thực hiện nghiêm giãn cách.

TP cũng siết chặt hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, chỉ những doanh nghiệp dịch vụ thiết yếu về y tế, dược phẩm, lương thực, thực phẩm, cung cấp suất ăn cho các bệnh viện, khu cách ly, khu thu dung điều trị; cung cấp điện, nước, gas, bưu chính, viễn thông, vệ sinh công cộng, vận chuyển hàng hóa thiết yếu; kho bạc nhà nước, dịch vụ tang lễ và một số dịch vụ thiết yếu khác do cấp có thẩm quyền quy định được hoạt động theo yêu cầu phục vụ và bảo đảm an toàn.

Các doanh nghiệp sản xuất khác chỉ được phép hoạt động với điều kiện phải bảo đảm an toàn; kiên quyết dừng ngay lập tức và xử phạt nghiêm đối với các trường hợp hoạt động không bảo đảm các yêu cầu công tác phòng chống dịch.

Cơ quan nhà nước tổ chức làm việc luân phiên cách ngày hoặc buổi trong ngày tại cơ quan.

TP.HCM cũng sẽ tiếp tục vận động các nguồn lực, kịp thời chăm lo cho người dân, nhất là các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế…

Không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa

Về công tác xét nghiệm, ông Dương Anh Đức cho biết TP tiếp tục tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm để mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ. Đồng thời đẩy mạnh xét nghiệm tại nhà cho người có triệu chứng, người có yếu tố dịch tễ (kể cả trong khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ hay khu vực cộng đồng ít nguy cơ…).

Phó chủ tịch UBND TP khẳng định sẽ siết chặt công tác quản lý khu phong tỏa với mục tiêu tiên quyết là không để xảy ra lây nhiễm chéo tại đây.

Cụ thể, thực hiện khoanh vùng khu phong tỏa phù hợp đáp ứng các tiêu chí về dịch tễ; hằng ngày theo dõi số lượng F0 phát sinh mới tại từng khu phong tỏa. Qua đó kịp thời phát hiện nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa và có giải pháp khắc phục ngay; đánh giá tình hình khu phong tỏa định kỳ để kịp thời gỡ phong tỏa từng phần...

 

Xử lý thật nghiêm trường hợp vi phạm

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức yêu cầu các địa phương phải thật quyết liệt, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách. Phát huy vai trò tuần tra, kiểm soát trong khu phong tỏa của lực lượng công an, quân đội, thanh niên xung phong, tổ chức đoàn thể, tổ COVID-19 cộng đồng.

“Trường hợp vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm, nơi nào vẫn để tiếp diễn tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách dẫn đến lây nhiễm thì sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương nơi đó” - ông Đức nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm